Liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt
Các liệu pháp nhắm trúng đích đang chứng minh được hiệu quả điều trị nhiều loại ung thư.
Tại hội thảo khoa học “Hướng điều trị mới trong ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt” do Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư (Bệnh viện K) phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, các liệu pháp nhắm trúng đích đang chứng minh được hiệu quả điều trị trên nhiều loại ung thư.
Trong số đó, nhóm thuốc ức chế PARP đã được nhiều quốc gia phê duyệt các chỉ định trên ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, mang đến nhiều cơ hội cho các bệnh nhân, giúp kéo dài thời gian sống không bệnh và sống còn toàn bộ cho bệnh nhân.
Tại Việt Nam, có gần 70% số ca ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tuy nhiên có 20-30% bệnh nhân sẽ tiến triển hoặc di căn, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao với đặc điểm lâm sàng như: Tuổi trẻ, khối u lớn, hạch dương tính, độ mô học cao, đột biến gen BRCA1/2…
Với ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, ở giai đoạn kháng cắt tinh hoàn di căn (mCRPC) bệnh nhân có tiên lượng xấu, không đồng nhất và thường dẫn đến tử vong.
Về vai trò của thuốc ức chế PARP, PGS.TS.BS. Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6 (Bệnh viện K) cho biết: “Với nhóm bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm, xét nghiệm đột biến gen BRCA 1/2 là bước quan trọng giúp phẫu thuật viên và bác sĩ nội khoa có kế hoạch quản lý bệnh nhân toàn diện, bao gồm quyết định loại phẫu thuật, hướng điều trị nội khoa. Với các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm nguy cơ cao, có đột biến gen BRCA1/2 dạng di truyền, HER2 âm tính và đã điều trị với hóa trị tân bổ trợ hoặc bổ trợ , thuốc ức chế PARP là lựa chọn được phê duyệt tại Việt Nam và các hiệp hội uy tín khuyến cáo”.
Xu hướng phối hợp ngay từ bước 1 giữa thuốc nội tiết thế hệ mới và thuốc ức chế PARP trên các bệnh nhân ung thư tuyến tiền kháng cắt tinh hoàn cũng đã được chứng minh hiệu quả thông qua các nghiên cứu lâm sàng; kéo dài thời gian sống khỏe mạnh cho người bệnh.