'Liều thuốc thử' cho chủ nghĩa đa phương

Cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu do đại dịch Covid-19 không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của người dân toàn thế giới, khiến giới doanh nghiệp điêu đứng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai nền chính trị quốc tế, đặc biệt là chủ nghĩa đa phương.

 Người dân Italia đeo khẩu trang đi trên đường phố ở thủ đô Rome

Người dân Italia đeo khẩu trang đi trên đường phố ở thủ đô Rome

Trước sự tàn phá của dịch Covid-19 thực tế cho thấy, các nước đã đơn phương thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người dân, trong khi không ít liên minh và tổ chức quốc tế tỏ ra lúng túng, chậm trễ, thậm chí có dấu hiệu rạn nứt.

Có thể thấy rõ nhất điều này khi nhìn vào Liên minh châu Âu (EU), nơi các nước thành viên đã đơn phương đóng cửa biên giới, đình chỉ hoạt động đi lại và vận tải khi dịch bùng phát ở Italia mà không có sự phối hợp. Còn tại hội nghị trực tuyến hồi tháng 3 vừa qua, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã không thể ra tuyên bố chung về đối phó Covid-19 do bất đồng giữa các thành viên.

Một phần của bất đồng xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/3 đơn phương công bố quyết định ngừng mọi hoạt động đi lại từ châu Âu (trừ Anh) tới Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, quyết định bị EU phản đối vì không được tham vấn và không có sự phối hợp. Điều này không chỉ gây chia rẽ khi các nước lần lượt đưa ra tuyên bố riêng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện cam kết mà G7 đưa ra triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ lao động, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Một thể chế đa phương khác đó là nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Mặc dù ra tuyên bố chung với các cam kết hợp tác, nhưng nội dung sau đó bị đánh giá là chung chung và mơ hồ. G20 cam kết “làm mọi việc có thể” để giảm thiểu đối đa hậu quả do đại dịch gây ra nhưng không nói rõ chiến lược cụ thể. G20 cũng không thể nhất trí về đề nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng gấp đôi viện trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó Covid-19…

Tuy nhiên, thực tế hơn 120 ngày chống dịch của thế giới cũng khiến cộng đồng quốc tế, hơn bao giờ hết, nhận ra tầm quan trọng của hợp tác đa phương, không chỉ trên lĩnh vực chăm sóc y tế, duy trì hoạt động thương mại mà còn nhằm giải quyết tình trạng tin giả tràn lan gây hoang mang, chia rẽ. Các chuyên gia cảnh báo sẽ không có quốc gia nào được an toàn cho tới khi cả thế giới kiểm soát được dịch bệnh. Nhân loại có thể sẽ không đạt được mục tiêu chung là “xóa sổ” Covid-19 nếu không thực sự đoàn kết và sẵn sàng hợp tác. Tinh thần đoàn kết toàn cầu chống lại kẻ thù chung Covid-19 là những gì được nhắc tới trong hàng loạt lời kêu gọi của các tổ chức và các nhà lãnh đạo. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống Covid-19.

Từ sự chậm trễ ban đầu, các tổ chức, các khu vực và quốc gia đang tích cực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau đối phó với đại dịch cũng như giảm nhẹ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đơn cử như tại khu vực Đông Á, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) để điều phối, thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực đối phó với Covid-19. Tuyên bố chung của cả hai hội nghị trên đều khẳng định quyết tâm và cam kết của các nước trong việc tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực...

Theo các chuyên gia, hợp tác đa phương không chỉ là chìa khóa giúp các nước vươn lên mạnh mẽ hơn sau Covid-19 mà còn tạo ra sức mạnh tổng lực đưa thế giới vượt qua khủng hoảng trong tương lai.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/lieu-thuoc-thu-cho-chu-nghia-da-phuong-79547.html