Liệu Trái Đất đã sẵn sàng cho trạng thái 10 tỷ dân?

Đà tăng trưởng dân số là một con dao hai lưỡi, mặc dù kinh tế có thể phát triển nhờ sự trẻ hóa dân số và lực lượng lao động dồi dào, nhưng thực trạng dân số này cũng sẽ tạo áp lực lên xã hội.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Toda, tỉnh Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Toda, tỉnh Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày Dân số Thế giới là lúc chúng ta cần nhận ra sự cấp thiết của những giải pháp bền vững cho bài toán dân số.

Ngày Dân số Thế giới năm nay, ngày 11/7, đánh dấu sự thay đổi dân số ngoạn mục của thế giới. Dân số toàn cầu hiện tại là 7,6 tỷ người, và con số này được Liên hợp quốc dự đoán là sẽ tăng lên 9,8 tỷ người vào năm 2050, và 11,2 tỷ người vào năm 2100.

Sự tăng tốc khó lường của dân số thế giới đã dấy lên câu hỏi: Liệu Trái Đất đã sẵn sàng là ngôi nhà cho 10 tỷ dân chưa?

Châu Á, ngôi nhà của 60 % dân số thế giới, sẽ là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất cho cuộc bùng nổ dân số này.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, Ấn Độ với 1,4286 tỷ người đã vượt qua Trung Quốc với 1,4257 tỷ người để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Đà tăng trưởng dân số là một con dao hai lưỡi, mặc dù kinh tế có thể phát triển nhờ sự trẻ hóa dân số và lực lượng lao động dồi dào, nhưng thực trạng dân số này cũng sẽ tạo áp lực lên cơ sở vật chất và các nguồn cung thiết yếu trong xã hội.

Nhà ở khan hiếm và đắt đỏ

Tăng trưởng dân số vượt bậc đã khiến vấn nạn phân chia giai cấp giàu nghèo còn trở nên căng thẳng hơn, với hơn 700 triệu người hiện đang sống chỉ với vỏn vẹn 2,15 USD/ngày, mức sống của những người nghèo nhất theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).

Lượng người nghèo sẽ còn tăng lên nữa nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế không thể theo kịp sự tăng trưởng dân số. Nhiều thành phố lớn ở châu Á đã và đang phải đối mặt với vấn nạn nhà ở khan hiếm và đắt đỏ.

Một ví dụ điển hình cho sự cần thiết của những đối sách mới để bình ổn giá nhà ở ở các thành phố lớn là Dharavi ở Mumbai (Ấn Độ) - khu ổ chuột lớn nhất châu Á, nơi có gần một triệu người đang sống chen chúc trong chỉ vỏn vẹn 1,2km vuông,

Dân số ở độ tuổi 65 trở lên trên thế giới hiện tại đang là 703 triệu, được Liên hợp quốc dự đoán sẽ tăng vọt lên 1,5 tỷ vào năm 2050.

Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành y tế, nền kinh tế và hệ thống xã hội toàn cầu. Nền y tế ở nhiều nước đang phát triển vốn đã và đang quá tải cũng như thực tế thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán rằng đến năm 2030, chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 18 triệu nhân viên y tế, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Bùng nổ dân số cũng đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đặc biệt là ở châu Á. Liên hợp quốc dự đoán thế giới sẽ có 43 siêu đô thị với hơn 10 triệu dân, hầu hết đều thuộc những quốc gia đang phát triển vào năm 2030.

Tokyo hiện tại đang là thành phố lớn nhất thế giới với 37 triệu dân, và bên cạnh đó chúng ta cũng thấy sự tăng trưởng với tốc độ chóng mặt của các siêu đô thị mới nổi như New Delhi, Mumbai và Dhaka, tuy nhiên sự tăng trưởng này lại không đi kèm với sự phát triển cơ sở hạ tầng.

 Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Sự bùng nổ đô thị không có kế hoạch này do vậy mà đi kèm với sự bùng nổ các khu ổ chuột, tình trạng thiếu nhà ở, và quá tải dịch vụ công cộng. Cuộc mở rộng của các khu đô thị mới đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những giải pháp xây dựng đô thị bền vững để giảm thiểu các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Một trong những thách thức to lớn trong cuộc bùng nổ dân số là cung cấp nhà ở giá hợp lý cho người dân. Liên hợp quốc ước tính rằng chúng ta cần nhà ở và cơ sở hạ tầng mới cho 3 triệu người vào năm 2030.

Một báo cáo khảo sát kinh tế đã chỉ ra rằng New Delhi đã đón thêm 283.000 người vào năm 2021, và con số này còn lớn hơn tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (mức chênh lệch giữa số sinh và số tử) ở đây là 101.000 người.

Theo khảo sát năm 2017, Dhaka là một ví dụ về một đô thị tăng trưởng nhanh nhờ số lượng lớn người di cư từ nông thôn lên thành thị, với gần nửa triệu người đã chuyển đến thành phố này mỗi năm với mong muốn có cơ hội việc làm và dịch vụ thiết yếu tốt hơn.

Tuy nhiên, đáng buồn là rất nhiều dân cư ở đây, ví dụ như những người lái xe kéo, đa phần là đàn ông, đều không có nhà ở cố định trong thành phố.

Nghiên cứu địa phương cho thấy rằng 45% trong số họ cùng gia đình ở chung một phòng thuê, và hơn 80% trong số họ sẽ về nhà ở quê mỗi năm 2 lần.

Khan hiếm nước sạch làm bùng nổ bạo loạn

Tăng trưởng dân số thúc đẩy gia tăng tiêu dùng là một trong những lý do chính dẫn đến biến đổi khí hậu.

Dân số tăng đi kèm với nhu cầu cao hơn cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó gia tăng lượng phát thải khí nhà kính và gây ra nhiều biến đổi cho môi trường do tài nguyên đất đai dần bị chiếm dụng cho công nghiệp nhiều hơn. Chúng ta đang tiến dần đến tới hạn của Trái Đất (“planetary boundaries" là những giới hạn để hành tinh có thể cho phép con người tồn tại và phát triển).

Hệ quả của việc phá vỡ những ranh giới này là rất dễ thấy, đặc biệt là ở các nước châu Á.

Sự bùng nổ của các đô thị ven biển như Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh đi kèm với tình trạng sụt lấn đất đai nghiêm trọng, do đó mà mực nước biển dâng chỉ một chút cũng đủ gây ra tình trạng ngập lụt trong thành phố.

Tình trạng đáng báo động này chỉ là một trong nhiều hậu quả đáng buồn của việc đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế trong thời đại bùng nổ dân số. Tất cả đã đưa ra lời cảnh báo cho chúng ta về sự cần thiết của những đối sách phát triển bền vững để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường.

Dân số tăng cũng đi kèm với sự cạnh tranh để khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên. Khan hiếm nước sạch là một trong những ví dụ điển hình nhất cho tình trạng khan hiếm và cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các nguồn tài nguyên.

33 quốc gia được dự đoán là sẽ phải đối mặt với cuộc khan hiếm nước sạch báo động do sự cạnh tranh tài nguyên nước và cạn kiệt nguồn tài nguyên nước trên bề mặt lãnh thổ vào năm 2040.

Tình trạng khan hiếm nước sạch này làm dấy lên mối lo ngại bùng nổ các cuộc xung đột bạo loạn và tình trạng di dân hàng loạt trong các thập kỷ tới.

 Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 19/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 19/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Điều cần thiết nhất ngay lúc này là các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia và các chính sách quản lý nguồn nước một cách hiệu quả để ngăn chặn cuộc hiểm họa có thể ảnh hưởng đến an ninh của nhiều quốc gia này.

Việc giáo dục và tạo công ăn việc làm cho lượng dân số đang tăng đáng kể này cũng đối diện với rất nhiều trở ngại.

Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), khoảng 258 triệu trẻ em, thanh thiếu niên và vị thành niên đang không có điều kiện đến trường, và chúng ta sẽ cần đến 280 triệu việc làm vào năm 2050 để có thể theo kịp lượng dân số đang tăng chóng mặt.

Kể cả ở những quốc gia có thế mạnh về lợi tức dân số như Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ vẫn rất cao, cho thấy thách thức trong việc chuyển hóa tăng trưởng dân số thành lợi nhuận kinh tế.

Báo cáo của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo có thể thay thế 300 triệu việc làm toàn thời gian trong thời gian tới, đánh dấu thách thức trong công cuộc cải cách đào tạo nguồn nhân lực hơn 1 tỷ dân để theo kịp những tiến bộ công nghệ cho tới năm 2030.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng với các nước ở trong nhóm G20, thất bại trong việc đào tạo nguồn nhân lực khổng lồ này có thể gây thiệt hại lên đến 11,5 nghìn tỷ USD cho tăng trưởng GDP trong vài thập kỷ tới. Chúng ta cần xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo việc làm chất lượng cao để lợi tức dân số không biến thành thảm họa dân số.

Những biến đổi dân số không hẳn luôn là tiêu cực, mà đôi khi nó cũng có thể đem lại những cơ hội đổi mới và hợp tác toàn cầu. Những cơ hội này cũng đi kèm những thử thách, mà để vượt qua nó thì chúng ta cần phải thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và cùng nhau tồn tại trên Trái Đất này.

Ví dụ như các kỹ sư quy hoạch đô thị đã đưa ra giải pháp bền vững cho vấn đề khan hiếm nhà ở trong các đô thị đang phát triển bằng những khái niệm rất mới như những căn hộ siêu nhỏ (“micro-apartment”), những tòa nhà cao tầng được bao bọc bởi cây xanh (“vertical forest"), và tái cấu trúc các khu công nghiệp thành nhà ở.

Chúng ta phải nhấn mạnh tầm quan trọng của nền giáo dục và đào tạo nhân lực để biến lượng cư dân khổng lồ của Trái Đất thành tiềm lực phát triển hành tinh này chứ không chỉ là gánh nặng cho môi trường và nền kinh tế.

Để bảo vệ cho Trái Đất và gần 10 tỷ cư dân của hành tinh này, chúng ta cần sự chung tay của tất cả mọi người - từ chính phủ, các tập đoàn tư nhân, các tổ chức quốc tế và cả xã hội cùng nhau huy động các nguồn lực kinh tế, tài chính và vật chất để giải quyết bài toán dân số vì nếu không, cú bùng nổ dân số này sẽ chính là quả bom với khả năng tàn phá tất cả những gì chúng ta đã gây dựng được trên hành tinh này./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lieu-trai-dat-da-san-sang-cho-trang-thai-10-ty-dan-post980370.vnp