Liệu vaccine có giúp thế giới an toàn hơn trước đại dịch COVID-19?
Loại vaccine đầu tiên đã được tiêm tại Anh và sắp tới là tại Mỹ, câu hỏi nhận được sự quan tâm hiện nay là liệu vaccine có khiến thế giới an toàn hơn trước đại dịch?
Vaccine là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Do đó, thế giới đón nhận tin vui khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và đối tác BioNTech phát triển. Loại vaccine này và vaccine do Moderna phát triển sẽ sớm được phê duyệt ở Mỹ. Và các loại vaccine khác cũng sẽ được tung ra thị trường thời gian tới.
Thế nhưng, Sam Fazeli, chuyên gia phân tích dược phẩm cấp cao của Bloomberg cho rằng ngay cả khi các loại vaccine này mang lại hiệu quả trên thực tế giống như các thử nghiệm lâm sàng thì chúng không thể thay đổi tiến trình của đại dịch COVID-19 trong một sớm một chiều và không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus.
Trên thực tế, sẽ mất vài tháng để vaccine COVID-19 tiếp cận được với một tỷ lệ dân số đủ lớn để tạo ra “khả năng miễn dịch bầy đàn”. Bên cạnh đó, sản xuất vaccine sẽ không đủ liều lượng để đáp ứng nhu cầu các quốc gia một cách nhanh chóng.
Có những câu hỏi liên quan đến tác dụng của vaccine, trong đó có khả năng miễn dịch với COVID-19 của những người được tiêm vaccine sẽ kéo dài bao lâu, hiệu quả đối với những người thực sự yếu hoặc cao tuổi, đặc biệt là những người có tình trạng bệnh lý nền?
Và quan trọng hơn, liệu vaccine đang được phát triển có khả năng ngừa các biến thể mới của virus hay không? Đó là lý do tại sao các quan chức y tế công cộng các nước kêu gọi tiếp tục giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ngay cả khi bắt đầu các nỗ lực tiêm chủng
Hiện có một số liệu pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang được sử dụng và nhiều liệu pháp đầy hứa hẹn khác đang được phát triển. Đến nay, các công ty dược phẩm và bác sĩ lâm sàng đã phần nào thành công trong việc tìm kiếm các liệu pháp điều trị đã được chứng minh giảm thời gian nằm viện và cải thiện tốc độ phục hồi như thuốc Remdesivir của Gilead Sciences, Baricitinib của Eli Lilly…
Bên cạnh đó, nhóm liệu pháp mới khác được gọi là kháng thể đơn dòng đã hoạt động tương đối hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Phương pháp điều trị này của Lilly và Regeneron Pharmaceuticals đã được chấp thuận sử dụng cho đến nay.
Phương pháp mới này yêu cầu thuốc phải được truyền qua tĩnh mạch và được giám sát về mặt y tế và có thể chỉ có hiệu quả trong vài tháng. Trong khi đó, các yêu cầu về tái khám khi điều trị phương pháp này có thể gây gánh nặng cho hệ thống y tế.
Hãng dược phẩm AstraZeneca đang nghiên cứu một loại cocktail dựa trên hai loại kháng thể có hiệu quả trong vòng 6 tháng đến một năm. Dữ liệu ban đầu dự kiến sẽ được công bố vào nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, hãng dược phẩm Vir Biotechnology đang hợp tác với GlaxoSmithKline phát triển 2 kháng thể có tiềm năng có khả năng miễn dịch lâu dài.
Theo chuyên gia Sam Fazeli, để chống lại đại dịch COVID-19, cần một loại thuốc kháng virus bằng phương pháp uống an toàn. Hãng dược phẩm Merck và Pfizer đang theo đuổi điều này. Đây là những loại thuốc được thiết kế để can thiệp vào khả năng tạo bản sao của virus và chúng hoạt động theo cách giống như các loại thuốc chống HIV và HCV rất hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng giống như vaccine và kháng thể, chúng ta phải theo dõi chặt chẽ virus và đánh giá bất kỳ đột biến nào của virus có thể khiến thuốc không hoạt động. HBV và HCV đều được điều trị bằng thuốc uống kháng virus.
Hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Therapeutics dự kiến sẽ công bố dữ liệu từ một thử nghiệm giai đoạn 2 đối với loại thuốc của họ - Molnupiravir, trước cuối năm nay, trong khi các thử nghiệm giai đoạn 3 lớn hơn sẽ được báo cáo vào năm 2021.
Chuyên gia Sam Fazeli cho rằng, trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường bộ máy khổng lồ cần thiết để đưa dân số toàn cầu được tiêm vaccine ngừa COVID-19, chúng ta sẽ tiếp tục cần đến các liệu pháp điều trị khác.