Lingard từ thất bại ở MU đến tỏa sáng cùng West Ham
Từ người thừa ở Man Utd, Jesse Lingard đang chơi thăng hoa và góp công không nhỏ để giúp West Ham nằm trong top 4 Premier League.
Cổ động viên (CĐV) Manchester United từng mỉa mai anh là “Lingardinho” vì thói quen múa may giống cầu thủ Brazil, nhưng chẳng có lấy một chút hiệu quả nào. Họ từng coi anh như người thừa ở đội bóng. Anh đúng thực sự là người thừa, không bàn thắng, không kiến tạo trong gần trọn mùa giải và rồi không được ra sân suốt nửa đầu mùa bóng mới.
Tuy nhiên bây giờ, anh là cầu thủ hay nhất West Ham, giúp CLB nuôi hy vọng được dự Champions League mùa sau. Có thể West Ham sẽ không vào top 4 cuối mùa nhưng chắc chắn, họ tìm ra được một “người dẫn đường” thực sự của mình.
Sự hồi sinh của Lingard
Khi Lingard tập tễnh trên sân ở những phút cuối trong trận gặp Newcastle, CĐV West Ham thực sự lo lắng. Trong hơn 2 tháng qua, tiền vệ 28 tuổi tạo ra những cơn phấn khích với “The Hammers”. Chấn thương nếu có, chắc chắn không chỉ khiến West Ham mất đi cầu thủ đang chơi hay nhất của mình, mà còn có thể khiến anh phải chấm dứt chuỗi trận thăng hoa.
HLV David Moyes sau đó phải lên tiếng trấn an “Lingard chỉ bị chuột rút, tôi nghĩ không có gì quá nghiêm trọng ở đây”. Tất nhiên, sự thật thế nào chỉ có nhà cầm quân Scotland này mới nắm rõ.
Nếu Lingard tiếp tục có mặt trong trận tiếp đón Chelsea cuối tuần tới, West Ham có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi đó là trận đấu cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính sống còn với “The Hammers”. Chelsea đang ở ngay phía sau họ với 1 điểm ít hơn, nhưng vẫn còn trong tay một trận chưa đấu. Nếu Lingard vắng mặt, đó không phải là chuyện đùa nữa.
Tại sao một người thừa ở Old Trafford, chỉ đá vẻn vẹn có 179 phút trong hơn nửa đầu mùa giải, lại có thể dễ dàng đạt phong độ cao đến như thế ngay khi tới London Stadium?
Đây là câu hỏi không dễ dàng trả lời. Solskjaer đã bị chỉ trích nhiều trong mùa giải trước khi ông quá ưu ái Lingard bất chấp phong độ kém cỏi cùng tâm lý thi đấu cực kỳ tồi tệ của anh. Đó là còn chưa kể việc Lingard nhiều lần đá ngược quả bóng trách nhiệm về phía CĐV MU, những người vốn quá quen với chiến thắng và quá quen với việc các cầu thủ phải cống hiến hết mình cho màu áo đỏ.
Có lẽ Solskajer thấm thía được những lời công kích từ phía người hâm mộ, vì thế ông thẳng tay ném Lingard lên băng ghế dự bị và không đoái hoài gì đến anh trong suốt 5 tháng. MU đã đá 20 trận ở Premier League mà không có Lingard ở trên sân, quãng thời gian đen tối nhất của cầu thủ này trong sự nghiệp.
Bởi vậy, khi West Ham chấp nhận bỏ ra khoảng 1,5 triệu bảng để mượn Lingard, MU chắc chắn phải mừng thầm, vừa có khoản tiền, sút được một tay thừa thãi, đã thế còn bớt được kha khá tiền lương.
Đối với David Moyes, ông lại có suy nghĩ khác khi hỏi mượn Lingard. Trong bài viết trên New York Times, tác giả Rory Smith nhận định sở dĩ Moyes muốn có cầu thủ này vì ông đang cần một người đa năng trên hàng công để giải quyết bài toán nhân sự.
West Ham đã đẩy Sebastien Haller sang Ajax, và Moyes chỉ còn lại mỗi Michail Antonio là tiền đạo thực thụ duy nhất. Thực tế Antonio chỉ là mẫu tiền đạo nửa mùa và chưa từng ghi quá 10 bàn mỗi năm ở Ngoại hạng Anh.
West Ham chắc chắn không thể cạnh tranh được top 4, thậm chí top 6 với một trung phong như thế này. Đó là lý do khiến Moyes cần Lingard, người có thể dâng lên đá như tiền đạo nếu cần và biết đâu, ghi được một vài bàn thắng.
Moyes hy vọng chỉ có thế. Không phải tự nhiên khi Lingard ký hợp đồng, thuyền trưởng người Scotland đã nói “Cậu ấy cần một chút thời gian để giải quyết vấn đề, hãy cho cậu ấy một cơ hội”. Nhưng ông đã sai! Bởi Lingard mang lại giá trị nhiều hơn thế, ngay lập tức, chỉ sau chưa đầy 24 giờ kể từ phát biểu của Moyes.
Chúng ta hãy xem con đường mà Lingard chinh phục “The Hammers”. Anh mở màn một cách không thể hoành tráng hơn khi giúp West Ham đánh bại Aston Villa với tỷ số 3-1. Hai bàn thắng ở trận đấu đầu tiên của anh tại Premier League mùa này. Nó còn nhiều hơn số bàn thắng mà Lingard ghi được cho MU trong 35 trận gần nhất. Tất cả đều bắt nguồn từ những tình huống phản công chớp nhoáng.
Lingard cần một chút thời gian để giải quyết vấn đề, hãy cho cậu ấy một cơ hội
- Huấn luyện viên David Moyes -
Lingard im tiếng ở trận gặp Fulham, nhưng đó là lần duy nhất cho đến nay, anh không làm được gì cho đội bóng. Những bàn thắng và những kiến tạo đến dồn dập. Đáng sợ hơn, gần như tất cả đều có ý nghĩa sống còn cho West Ham trong những trận đấu đó.
Trong 10 trận đấu, anh thi đấu 885 phút, có 9 lần ghi bàn và 4 lần giúp đồng đội lập công, trung bình 68 phút góp dấu giày vào một bàn thắng. Nhưng quan trọng hơn, đó là hiệu ứng tích cực mà Lingard mang lại cho đồng đội. Trong 22 trận không Lingard, West Ham thua 7, hòa 5, tức là cứ đá 2 trận thì có hơn 1 trận mất điểm. Còn khi có Lingard, West Ham đá 10 trận, mà chỉ có 3 lần mất điểm (2 thua, 1 hòa). Trong 3 lần mất điểm đó, đến 2 lần là “chấp nhận được” (thua sát nút Man City và hòa Arsenal).
Phong độ của Lingard khiến HLV Gareth Southgate phải triệu tập anh trở lại đội tuyển để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Lần gần nhất, Lingard được ra sân cho đội tuyển quốc gia là tháng 6/2019, tức là cách 21 tháng. Leicester City và Aston Villa đều công khai bày tỏ sự quan tâm tới anh. Giá trị của Lingard khác nhiều từ ngày anh tìm được đúng môi trường để vùng vẫy.
Điều gì giúp Lingard thăng hoa
Bây giờ, chúng ta trở lại câu hỏi: Tại sao Lingard lại nhanh chóng tỏa sáng như thế khi rời khỏi Old Trafford?
Trước hết, anh có niềm tin thực sự từ huấn luyện viên. David Moyes, cũng như Lingard, là kẻ thừa thãi và bị ruồng bỏ ở MU. Cả hai có một điểm chung, họ đều được kỳ vọng trước khi tới CLB này (với Lingard là trở lại sau thời gian được cho mượn), nhưng đều nhanh chóng trở thành tâm điểm của cơn bão chỉ trích lẫn chế nhạo. Có lẽ cùng đồng cảm với nhau mà Moyes đã cho Lingard những cơ hội lẫn không gian để anh thể hiện bản thân. Anh không cần làm nền cho ai đó như ở MU.
Tại West Ham, anh được coi như đầu tàu, người đã có kinh nghiệm nhiều năm ở CLB lớn và đá nhiều trận tại Champions League. Lingard sau đó mô tả anh như có “cuộc đời mới” ở West Ham. Đó là lúc người ta hiểu, anh đang vui. Và khi vui, chàng trai này sẽ chơi thứ bóng đá tốt nhất của mình.
Bên cạnh đó, chiến thuật của David Moyes cho phép Lingard phát huy tối đa khả năng của anh. Thông thường, Lingard sẽ đứng ở phía trên cao trong các tình huống phản công. Anh sẽ chỉ cần vượt qua vài hậu vệ để dứt điểm thay vì tham gia vào các pha hãm thành đối phương hay phải đối mặt với cả hàng thủ lẫn tuyến giữa phía bên kia như thời ở MU.
Ở khoản tăng tốc, vượt qua cầu thủ đội bạn và kết thúc, Lingard thực sự không hề tồi. West Ham có thói quen chơi nhanh, và nó cực kỳ phù hợp với tiền vệ người Anh. Matt Koller từng nói về mặt bản chất, Lingard chơi rất giống Messi, tất nhiên ở đẳng cấp thấp hơn nhiều.
Thứ hai, việc rời khỏi MU vô tình giúp Lingard giải tỏa được áp lực quá lớn đè nặng lên anh. Ở West Ham, anh có quyền rê dắt và mất bóng ngay sau đó, có quyền sút thẳng lên trời mà khán giả không quá săm soi hay chỉ trích. Nhưng ở MU, nếu anh làm thế, anh sẽ ngay lập tức hứng chịu vô số xỉa xói từ các manucian.
West Ham chưa bao giờ chung mâm với MU. Và cũng vì thế, Lingard hiểu anh có quyền mắc sai lầm mà không phải quá lo lắng. Một cầu thủ khi bị áp lực, hoặc sẽ đá hay hơn, hoặc sẽ đá dở đi nhiều lần. Lingard là mẫu thứ hai và thực tế 2 tháng qua chứng minh điều đó.
Tuy vậy, điều thứ ba quan trọng hơn, Lingard thực sự trưởng thành. Có lẽ, quãng thời gian đen tối ở MU khiến anh học hỏi nhiều điều. Kể từ ngày được ra sân trong màu áo đỏ, Lingard luôn ở trong ranh giới giữa sự kỳ vọng và sự chỉ trích. Anh từng có thời điểm thi đấu hay, như hồi cuối năm 2018, nhưng phần lớn đều chỉ là các hành động màu mè ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ và bị chế nhạo bởi những phát ngôn ngông cuồng.
Lingard ở West Ham đã khác hoàn toàn. Người ta kể anh đã lắp cái bảng trắng lên tường nhà, sau đó ghi những mục tiêu mà anh muốn đạt được trong màu áo mới và nhìn vào nó mỗi ngày để tăng thêm động lực. Một bằng chứng cho thấy Lingard thực sự nghiêm túc trong sự nghiệp của mình.
Nhưng có một lý do khác nằm ngoài 3 lý do trên. Chúng ta nhớ lại Lingard chơi bao nhiêu lâu ở MU? Câu trả lời là 6 mùa rưỡi với tổng cộng hơn 200 trận. Một cầu thủ đã trụ lại ở Old Trafford đủ lâu như vậy, thì rõ ràng không phải là cầu thủ quá tồi.
Việc Lingard không đá tốt ở MU không có nghĩa là anh ta sẽ không đá tốt ở những đội bóng khác. Đó cũng là trường hợp của nhiều cầu thủ xuất sắc tại các CLB trung bình khá trong lịch sử bóng đá. Họ có thể là những người thừa ở những đội bóng khổng lồ, nhưng sẽ là đầu tàu ở một đội bóng có vị thế kém hơn. Chẳng phải trước đó, người ta cũng thấy Diego Forlan, Danny Blind hay Danny Drinkwater từ chính MU đã chơi tốt thế nào khi rời Old Trafford?
“Tôi nghĩ môi trường là quan trọng. Tôi chuyển tới London, sống ở căn hộ tít trên cao, có nhiều ánh sáng ở đây. Khi mở cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy nhiều tòa nhà trong thành phố. Điều đó khiến bạn cảm thấy tươi sáng và mới mẻ hơn mỗi ngày”. Lingard nói một cách đơn giản về “cuộc đời mới” của anh như vậy. Nếu cuối mùa, chàng trai này đưa West Ham cán đích ở top 4, rõ ràng anh đã tìm được “chân ái” của bản thân. Nếu không được thì chắc chắn, đó vẫn sẽ là bước ngoặt của cuộc đời anh.