'Lĩnh ấn' tiên phong
Chung dòng sông Bé
- Thưa đồng chí, về sự kiện chia tách tỉnh Sông Bé cách đây 25 năm, đồng chí có nhìn nhận gì đối với quyết định mang tính lịch sử này?
- Sông Bé trước đây có diện tích quá lớn, làm tròn là 1 triệu ha, hơn 200km đường biên giới, địa bàn rộng mênh mông, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều. Điều này gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành vì không sâu sát được thực tế, có người làm lãnh đạo hết nhiệm kỳ cũng chưa chắc biết được các xã của tỉnh Sông Bé, ai mà chịu đi mới có thể nắm được. Lúc đó, khi có chủ trương của Trung ương về chia tách tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí cao, một số tỉnh khác tách, Sông Bé cũng phải tách để có điều kiện phát triển. Hoàn cảnh kinh tế của Sông Bé lúc đó còn khó khăn, ngân sách hạn chế, phải tính toán rất kỹ; tách phải bảo đảm nguyên tắc đoàn kết nội bộ, bảo đảm về tài chính… Kinh tế phía Bắc của tỉnh khi đó chủ yếu là nông nghiệp, cao su, ngoài ra hầu như không còn gì đáng kể. Chính vì thế, khi tách ra, Bình Dương cũng đã luôn đồng hành, hỗ trợ Bình Phước hết lòng, coi Bình Phước như người anh em sinh đôi.
Đồng chí Hồ Minh Phương: “Yếu tố để Bình Dương khi đó phát triển công nghiệp tương đối tốt, phải nói là tự hào, chính là cách làm công nghiệp sáng tạo…” Ảnh: QUỐC CHIẾN
Còn với Bình Dương, khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé, có điều kiện thuận lợi hơn vì địa bàn nhỏ lại, đặc biệt là một số vùng ở phía Nam đã có mầm mống phát triển công nghiệp, dịch vụ. Từ đó, chúng tôi nhận thấy rằng, khi tách ra, Bình Dương có cơ hội để tham gia vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một cách xứng đáng.
Tự hào vươn lên
- Khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã đặt quyết tâm như thế nào để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thưa đồng chí?
- Bình Dương khi đó rất quyết tâm, đặt vấn đề không để thua kém địa phương nào ở trong vùng. Vấn đề đặt ra là gì? Đầu những năm 1990, tỉnh đã có một số KCN như Sóng Thần, Bình Đường; vào năm 1996 đã bàn tới xây dựng KCN Việt Nam - Singapore (VSIP I). Từ đó, tỉnh quyết định tập trung phát triển một số KCN, xác định những nhiệm vụ trọng tâm.
Lúc đó, tôi còn nhớ tiếp ngài Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Chính phủ Singapore 2 lần, chúng tôi bảo đảm lời hứa với ngài ấy để làm VSIP I. Lúc mới đến tìm hiểu, còn nhiều điều ông ấy hoài nghi. Ông ấy hỏi mấy vấn đề thôi nhưng rất khó trả lời. Thứ nhất là làm sao Bình Dương bảo đảm được nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp; thứ 2 là thực trạng giao thông của tỉnh như vậy, làm sao để phục vụ yêu cầu vận chuyển hàng hóa? Ngài ấy đặt vấn đề rằng, Quốc lộ 13, tỉnh có đầu tư xây dựng được không, vì quốc lộ là do Trung ương quản lý. Do đó, tỉnh phải bảo đảm đề xuất được với các cơ quan Trung ương để xây dựng con đường này. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính cũng hứa giúp đỡ… Nhờ vậy, dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 13 đã được thực hiện. Thời điểm đó, chưa có tỉnh nào dám xin đầu tư xây dựng quốc lộ cả.
- Thưa đồng chí, thời điểm đó, đâu là yếu tố mang tính nền tảng để Bình Dương vươn lên?
- Yếu tố để Bình Dương khi đó phát triển công nghiệp tương đối tốt, phải nói là tự hào, chính là cách làm công nghiệp sáng tạo, với tinh thần tiên phong. Bối cảnh bấy giờ, việc phát triển các KCN tại Bình Dương cũng gặp phải một số ý kiến nhưng tỉnh quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung. 3 hình thức đầu tư xây dựng KCN khi đó là quốc doanh liên doanh với nước ngoài đầu tư (VSIP I), quốc doanh đầu tư (KCN Sóng Thần I) và đặc biệt là mô hình cho kinh tế tư nhân đầu tư KCN (Đồng An). Hồi đó, việc tư nhân làm KCN không phải dễ. Đây cũng là khó khăn đặt ra, tỉnh phải kiên trì, đề xuất, kiến nghị với Trung ương để thực hiện.
Yếu tố quan trọng nữa là trong chỉ đạo điều hành, tỉnh đã chọn những khâu đột phá, chọn những công trình trọng điểm để đầu tư, mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực khác. Và, tỉnh quyết định xây dựng Quốc lộ 13, vì làm con đường này, các doanh nghiệp mới đến đầu tư vào VSIP I, kế đến là các KCN ở phía trên Mỹ Phước 1, 2, 3… sau này. Nếu không làm Quốc lộ 13, không thể giải quyết được bài toán thu hút đầu tư. Cho nên nói đầu tư công trình trọng điểm là phải nhấn vào tính trọng điểm, không dàn đều ra, chỗ nào cũng làm thì sao gọi là trọng điểm. Lúc đó, Bình Dương quyết định làm một số công trình mang tính chất trọng điểm như vậy để mở ra con đường vươn lên.
“Đất lành chim đậu”
- Thưa đồng chí, Bình Dương không có cảng biển, sân bay là một khó khăn trong quá trình phát triển. Làm sao để tỉnh vượt qua khó khăn này?
- So với một số tỉnh, thành, Bình Dương không có cảng biển, sân bay cũng là khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu biết cách làm, vẫn có thể biến những khó khăn này thành lợi thế. Bởi từ Bình Dương xuống các cảng biển, sân bay không quá xa. Vậy thì phải mở đường rộng ra, đó là những con đường mang tính chiến lược như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn… Tôi cho rằng, không phải là có cảng biển, sân bay thì nhà đầu tư sẽ tới, quan trọng hơn là chính quyền đối xử với doanh nghiệp như thế nào. Bình Dương tiếp nối khẩu hiệu “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, rồi “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, luôn chủ động đề ra trước các chính sách, đặc biệt là trong quan hệ, đối xử với nhà đầu tư. Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, tỉnh đặc biệt chú trọng, tiên phong với cơ chế “một cửa, một dấu”. Trước đó, doanh nghiệp đến đầu tư, phải đi hết các sở, ngành chức năng để làm các thủ tục hành chính liên quan, rất mất thời gian và gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp. Sau này, tôi không đồng ý như vậy, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hết, không để cho doanh nghiệp phải đi đến các sở, ngành. Tỉnh ra quy định ngày thứ 5 hàng tuần, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành liên quan báo cáo cho UBND tỉnh về công tác thủ tục hành chính…
Theo tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi đến họ thường coi nội bộ ra sao, cách đối xử của chính quyền với doanh nghiệp ra sao. Mình đối xử tốt với người ta rồi, tiếng thơm bao giờ cũng bay xa. Đất lành, chim đậu. Mình làm tốt, nhà đầu tư họ truyền tai với nhau, chính vì thế các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… rất coi trọng Bình Dương, xem tỉnh là điểm đến hấp dẫn.
- Nhìn lại Bình Dương qua quá trình 25 năm xây dựng và phát triển, đâu là những điều đồng chí thấy tâm đắc?
- Đó chính là quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ. Từ quyết tâm này, tính đến năm 2004, khi tôi nghỉ hưu, đã thấy dáng dấp của tỉnh công nghiệp, dịch vụ khi trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp chiếm hơn 60%, dịch vụ hơn 30 %, nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ. Bình Dương hiện giờ có thuận lợi rất lớn, thu ngân sách cao, đóng góp nhiều cho ngân sách Trung ương; kinh tế - xã hội phát triển; cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, được đào tạo bài bản, tiếp cận khoa học công nghệ nhanh… Vì thế, con đường, điều kiện để Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn là rất lớn…
- Xin cảm ơn đồng chí!
Yếu tố để Bình Dương khi đó phát triển công nghiệp tương đối tốt, phải nói là tự hào, chính là cách làm công nghiệp sáng tạo, với tinh thần tiên phong. Bối cảnh bấy giờ, việc phát triển các KCN tại Bình Dương cũng gặp phải một số ý kiến nhưng tỉnh quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung. 3 hình thức đầu tư xây dựng KCN khi đó là quốc doanh liên doanh với nước ngoài đầu tư (VSIP 1), quốc doanh đầu tư (KCN Sóng Thần I) và đặc biệt là mô hình cho kinh tế tư nhân đầu tư KCN (Đồng An). Hồi đó, việc tư nhân làm KCN không phải dễ. Đây cũng là khó khăn đặt ra, tỉnh phải kiên trì, đề xuất, kiến nghị với Trung ương để thực hiện…”.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/linh-an-tien-phong-a262700.html