Lính biên phòng Phú Yên 'chống giặc' ở biên giới Tây Nam
Trung úy Phạm Hữu Tố (đi đầu) cùng tổ phòng chống dịch COVID-19 của Đồn BP Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc, An Giang) trên đường tuần tra. Ảnh: PHẠM HỮU
Sau hơn 7 tháng tăng cường làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu biên giới An Giang, 30 cán bộ chiến sĩ (CBCS) quân hàm xanh BĐBP Phú Yên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày trở lại đơn vị, trở về với xứ sở hoa vàng cỏ xanh, ai cũng tràn ngập niềm vui và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức trong cuộc chiến với giặc COVID-19 ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Xung phong ra tuyến đầu
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở khu vực biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường cho BĐBP An Giang hơn 250 CBCS từ các tỉnh, trong đó có Phú Yên.
Thực hiện kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP, 30 CBCS trong lực lượng BĐBP Phú Yên đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ (đợt 1) ở nơi tuyến đầu với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thiếu tá Trần Văn Hiệu, Trợ lý Hải quân Phòng Tham mưu, người được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao nhiệm vụ làm “trưởng đoàn” tăng cường, nhớ lại: Khởi hành tại ga Tuy Hòa lúc 22 giờ 30 ngày 27/3, anh em chúng tôi đi xe lửa vào đến ga Sài Gòn vào sáng hôm sau. Sau đó, tất cả lên ô tô đã chờ sẵn tiếp tục hành quân về An Giang. Tại Sở chỉ huy BĐBP An Giang, rất khẩn trương, sau khi điểm danh quân số, chúng tôi được biên chế về các đồn BP dọc theo tuyến biên giới gần 100km. “Chiều hôm đó, trước khi xuất quân, 30 CBCS chúng tôi được đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Đảng ủy - Bộ Chỉ huy gặp mặt, động viên, trao quyết định của Bộ Tư lệnh. Sự quan tâm chu đáo và ân cần đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần để chúng tôi nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thiếu tá Trần Văn Hiệu tâm sự.
An Giang có TP Châu Đốc, TX Tân Châu và 3 huyện An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Từ khi dịch bùng phát, nhiều đối tượng từ Campuchia tìm đủ mọi cách để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường thủy lẫn đường bộ, phổ biến là buôn lậu thuốc lá và mua bán ma túy. BĐBP An Giang đã thiết lập và duy trì thường xuyên 210 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới, thực hiện nhiệm vụ kép vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ
Thời điểm BĐBP Phú Yên tăng cường cho An Giang, tình hình dịch bệnh tại Campuchia đang bùng phát mạnh trong cộng đồng ở 2 tỉnh Takeo và Kandal, tiếp giáp với An Giang. Điều này đặt ra thách thức cho lực lượng phòng, chống dịch tại tuyến biên giới nói chung và lực lượng tăng cường nói riêng trước những mối hiểm họa khôn lường.
Thiếu tá Trần Văn Hiệu cho biết biên giới với Campuchia nơi anh thực hiện nhiệm vụ tăng cường (Đồn BP Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chỉ là một con sông nhỏ và địa hình sông rạch là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Hay khu vực mà Đồn BP Cửa khẩu Long Bình quản lý, chỉ một bước chân đã qua biên giới. Xung quanh đồn có nhiều vườn xoài của người dân nên tầm quan sát bị hạn chế. Chính vì vậy, lực lượng làm nhiệm vụ phải tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động xuyên suốt ở những đường mòn, lối mở trên bộ và trên sông rạch; tổ chức mật phục vào ban đêm ở những nơi có khả năng các đối tượng lợi dụng để xuất, nhập cảnh trái phép. Cũng tại địa bàn cửa khẩu Long Bình, 1 trong 6 CBCS tăng cường của BĐBP Phú Yên bị nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian làm nhiệm vụ.
Theo trung úy Phạm Hữu Tố, quân nhân chuyên nghiệp của Phòng Chính trị BĐBP Phú Yên được tăng cường cho Đồn BP Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc), thời tiết ở khu vực biên giới An Giang khá khắc nghiệt. Từ tháng 5, nơi đây bắt đầu bước vào mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa đến bất chợt, kèm theo giông lốc, sấm sét, gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của các tổ, chốt phòng chống dịch. Ban ngày có lúc trời nắng như đổ lửa, còn đêm về những cơn gió lạnh đến thấu xương như cắt da cắt thịt. Kèm theo đó, có người chưa quen với môi trường sông rạch, không hợp khẩu vị với một số món ăn miền Tây... Tuy nhiên chẳng có khó khăn nào có thể làm chùn bước chân của người lính biên phòng. “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nêu cao trách nhiệm và ý chí sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, trung úy Phạm Hữu Tố bày tỏ.
Trung úy Bùi Đức Sơn, Đội trưởng Vũ trang Đồn BP An Hải (huyện Tuy An), người được BĐBP An Giang tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thời gian tăng cường cho Đồn BP Cửa khẩu Long Bình, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của các chốt biên giới là nguồn nước khan hiếm. Nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của bộ đội tăng cao, nhưng vì việc đi lại khó khăn, người bán cũng ngại vận chuyển vào. Xung quanh chốt có ít người sinh sống, qua lại, thi thoảng mới có vài người dân đến đây làm ruộng. Vì vậy, chốt phải đặt mua bình nước 20 lít, rồi anh em thay phiên nhau vác từ ngoài bờ đê vào để có đủ nước uống và phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, có những đêm mưa đường trơn trượt, ánh sáng đèn pin không đủ, rất dễ bị té ngã, nhưng anh em vẫn duy trì việc tuần tra bởi chỉ cần lơ là các đối tượng sẽ xâm nhập trái phép vào biên giới.
Trong khoảng thời gian ấy có một câu chuyện cảm động để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều người. Ngày 22/7, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ chốt chặn phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Diệp Sơn Đông (cán bộ trinh sát Đồn BP Xuân Đài, TX Sông Cầu được tăng cường làm nhiệm vụ tại tổ công tác số 11, Đồn BP Phú Hữu, huyện An Phú), nhận được tin cha bị nhồi máu cơ tim qua đời đột ngột ở quê nhà (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa). Dù rất muốn về quê chịu tang cha nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đại úy Diệp Sơn Đông đành nén nỗi đau riêng, ở lại cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Tối hôm ấy, được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang, Ban Chỉ huy Đồn BP Phú Hữu đã tổ chức lập bàn thờ vọng ngay tại chốt phòng chống dịch nơi đại úy Diệp Sơn Đông đang làm nhiệm vụ, để anh chịu tang cha. Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang và Đồn BP Phú Hữu cùng đồng đội đã trực tiếp gặp gỡ, chia buồn, động viên đại úy Đông vượt qua nỗi đau, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Gia đình tôi chỉ có hai anh em trai. Em tôi đang làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, thành phố này cũng đang thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở yên đó” nên em tôi không thể về chịu tang cho cha được. Là con trai trưởng, thật lòng tôi rất muốn được về nhìn mặt cha lần cuối, nhưng vì nhiệm vụ công tác, dịch bệnh đang bùng phát mạnh không thể lơ là, nên cố kìm nén đau thương, đành tiễn biệt ông từ xa”, đại úy Diệp Sơn Đông tâm sự.
Sau hơn 7 tháng cùng ăn, cùng ở, cùng tuần tra, kiểm soát, cắm chốt nơi biên giới với đồng đội An Giang, vượt lên trên vất vả, 30 CBCS quân hàm xanh Phú Yên sớm thích nghi với môi trường công tác, sinh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.