Lính Biên phòng sát cánh cùng người dân vùng 'rốn lũ'

Đã quen với sóng nước, thời tiết khắc nghiệt, những kíp ca nô của BĐBP Quảng Bình xuyên ngày, đêm cắt dòng nước lũ cứu dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, bàn chân hở hoác, đau rát vì ngâm nước lũ dài ngày… Thế nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn tiếp tục bám 'rốn lũ' huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bà con, đồng thời sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi bão số 8 đang áp sát bờ.

Cán bộ BĐBP Quảng Bình cứu dân ra khỏi vùng lũ nguy hiểm. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ BĐBP Quảng Bình cứu dân ra khỏi vùng lũ nguy hiểm. Ảnh: Viết Lam

Mưa ngớt, nước lũ trên địa bàn huyện Lệ Thủy bắt đầu rút xuống, phương tiện ca nô, xuồng máy của các đơn vị khẩn trương chở lương thực, thực phẩm về với người dân. Hơn 12 giờ trưa, chiếc ca nô của BĐBP Quảng Bình do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Triều, nhân viên Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Nhật Lệ điều khiển mới “cập bờ” khu vực thị trấn Kiến Giang. Rời vô lăng ca nô, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Triều nhanh chóng cùng đồng đội khác bốc hàng hóa, lương thực, thực phẩm sang một chiếc ghe nhỏ khác của chính quyền địa phương để tiếp tục len sâu vào các ngõ nhỏ chuyển đến tận tay từng hộ dân. Tay liên tục bốc hàng hóa, Thiếu tá Triều hô lớn: “Anh em tranh thủ ăn cơm đi, xong ta trở ra luôn để chở chuyến khác. Tôi sẽ ăn sau.”

Chỉ cần nhìn thoáng qua đã thấy Thiếu tá Triều mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng. “Anh em chúng tôi thực hiện nhiệm vụ liên tục 3-4 ngày đêm để cứu dân ra khỏi vùng nước nguy hiểm. Sau đó tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống để nhân dân không bị đói, rét khi tránh trú”. Hàng bốc xong, cán bộ Biên phòng ngồi bệt xuống kéo ống quần lên, xuýt xoa bàn chân. Khe bàn chân của Thiếu tá Triều hở hoác, rỉ máu, chảy nước. “Nước ăn chân đau nhức khó chịu quá! Hôm nay, trời có nắng chứ mấy ngày trước, anh em quần áo luôn ướt sũng, lạnh tím người.” - Thiếu tá Triều chia sẻ.

Lúc này, dưới tán một gốc cây bên bờ sông Kiến Xương, Đại úy Ngô Văn Vương, nhân viên Ban Cửa khẩu, Phòng Tham mưu ăn vội suất cơm hộp được người dân đưa tận tay trước đó. “Mấy ngày nay, anh em toàn ăn lương khô, uống nước suối chạy đua với thời gian cứu dân. Hôm nay, tôi mới có thời gian ăn hộp cơm cho ấm bụng!” - Đại úy Vương cho biết.

Trước đó, khi tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, BĐBP Quảng Bình đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện sát cánh, hỗ trợ nhân dân triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, BĐBP Quảng Bình đã điều động 30 cán bộ, chiến sĩ và 6 ca nô bám địa bàn các vùng trũng huyện Lệ Thủy sẵn sàng cơ động sơ tán dân.

Đúng như nhận định ban đầu, do mưa lớn kéo dài, đêm 18-10, nước trên sông Kiến Giang lên nhanh khiến cho hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy bị ngập sâu. Trước tình thế cấp bách, chính quyền địa phương đã điều động tối đa phương tiện của các đơn vị vũ trang và nhân dân các xã vùng biển như Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc… lên sơ tán dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, thời điểm nước lũ lên nhanh, trên địa bàn Lệ Thủy lại có gió mạnh tạo nên những con sóng cấp 4-5 giữa biển nước mênh mông khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với kinh nghiệm thực tế triển khai nhiệm vụ hàng ngày, các tổ ca nô của BĐBP Quảng Bình vẫn cắt lũ dữ kịp thời ứng cứu nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn vùng trũng như Lộc Thủy, Sơn Thủy, An Thủy…

Được một kíp ca nô của BĐBP Quảng Bình đưa từ nhà lên Trạm Y tế xã Sơn Thủy tránh lũ, bà Nguyễn Thị Huyền, xóm Quang Vinh, xã Sơn Thủy cho biết: “Người dân ở đây cũng đã quen với lũ lụt nhưng năm nay nước bất thường khiến cho chúng tôi gặp nguy hiểm. Nước lên nhanh, gió tạo sóng mạnh, may có các chú Biên phòng đưa ca nô ứng cứu kịp.”

Các kíp ca nô của BĐBP Quảng Bình bám địa bàn vận chuyển lương thực tiếp tế cho nhân dân. Ảnh: Viết Lam

Các kíp ca nô của BĐBP Quảng Bình bám địa bàn vận chuyển lương thực tiếp tế cho nhân dân. Ảnh: Viết Lam

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Toàn bộ 26 xã, thị trấn trên toàn huyện bị ngập trong lũ, trong đó điểm ngập sâu nhất 4,8m vượt tất cả các đỉnh lũ trước đây, khiến 32.000 hộ dân bị ngập sâu. Trước tình thế đó, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hỗ trợ giúp dân sơ tán từ chỗ thấp lên cao (cao điểm di dời 1.600 hộ dân). BĐBP là một trong những đơn vị hoạt động rất hiệu quả”.

Hiện nay, nước trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang rút nhanh nhưng vẫn còn 1.000 hộ dân đang ngập sâu. BĐBP Quảng Bình đang duy trì lực lượng, phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ nhân dân và sẵn sàng ứng phó với bão số 8, dự báo sẽ ảnh hưởng tới địa phương này trong vài ngày tới.

Đợt lũ vừa qua, toàn tỉnh Quảng Bình có 8 người chết, 40 người bị thương, sau lũ người dân địa phương gặp phải muôn vàn khó khăn như lương thực, thực phẩm, khôi phục sản xuất, xử lí môi trường… Tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ ngay mỗi gia đình bị ảnh hưởng do lũ lụt số tiền 1 triệu đồng để khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trước mắt.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/linh-bien-phong-sat-canh-cung-nguoi-dan-vung-quotron-luquot-post434390.html