Lính dù đặc nhiệm Nga đột kích thất bại ở Ukraine: Sức mạnh 'hổ giấy' bị phơi bày?
Với các cuộc đột kích thất bại ở Ukraine, lực lượng đổ bộ đường không của Nga có thực sự tinh nhuệ như Moscow vẫn quảng bá.
Theo nhà báo quốc phòng Stavros Atlamazoglou của trang mạng 19fortyfive, mặc dù có lợi thế về cả chất lượng và số lượng nhưng Nga đã không đạt được các mục tiêu chính trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, buộc Điện Kremlin phải lùi bước và thay đổi các mục tiêu của mình.
Lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ (VDV) của Quân đội Nga được cho là đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch mở màn vào ngày 24/2 nhưng thực tế họ đã bị tổn thất nặng nề.
Một đơn vị của VDV - Trung đoàn Dù Cận vệ Số 331, lực lượng tinh nhuệ nhất theo đúng nghĩa, đã phải chịu thất bại thảm hại ở Ukraine. Chỉ huy đơn vị này, Đại tá Sergei Sukharev cũng đã tử trận vào giữa tháng 3.
Cây viết quốc phòng Stavros Atlamazoglou cho rằng, khi thựchiện chiến dịch ở Ukraine, Quân đội Nga dự tính sẽ hành động nhanh chóng, bất ngờ và đột phá, diễn ra trong khoảng thời gian từ 48 - 72h, đánh chiếm các trung tâm đô thị lớn của Ukraine, gồm cả Thủ đô Kiev.
Lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ của Quân đội Nga đặc biệt tích hợp cho một kế hoạch chiến tranh như vậy bởi họ được đào tạo và trang bị bài bản, thuần thục chiến thuật đột kích bất ngờ đánh chiếm mục tiêu.
Theo nhà báo Atlamazoglou, với mục tiêu như trên, các chỉ huy quân sự Nga đương nhiên sẽ sử dụng lực lượng lính dù làm mũi nhọn tấn công.
Một trong những mục tiêu chính của Nga ngay từ những giờ đầu mở màn chiến dịch là đánh chiếm sân bay Antonov gần thành phố Hostomel, cách Kiev khoảng 20 dặm. Lính dù VDV đã thực hiện chiến dịch đổ bộ xuống sân bay bằng 30 trực thăng quân sự.
Phía Nga đã chiếm giữ được mục tiêu nhưng đó chỉ là một chiến thắng chóng vánh. Đặc nhiệm Ukraine sau đó đã đánh bật lực lượng Nga và nhanh chóng lấy lại sân bay.
Theo một cựu sĩ quan của Đặc nhiệm Lục quân Mỹ (Green Beret) thì mục tiêu chính của lực lượng đột kích trong các chiến dịch đổ bộ đường không, chẳng hạn như chiếm giữ sân bay, là phải mở rộng được chu vi an toàn ở địa bàn đánh chiếm để đối phương không thể phản kích bằng pháo, rocket hay các vũ khí gián tiếp khác.
“Làm như vậy, bạn có thể tiếp tục bảo đảm an toàn cho sân bay và tăng cường thêm lực lượng đổ bộ xuống”, cựu đặc nhiệm Green Beret đề nghị giấu tên cho biết.
“Nếu không mở rộng được đầu cầu đánh chiếm trong những giờ đột kích đầu tiên thì đó sẽ là một thảm họa”.
Trong cuộc tấn công ở Hostomel, có vẻ như lực lượng VDV Nga đã thất bại, không mở rộng được đầu cầu đánh chiếm. Họ bị mắc kẹt ở sân bay và không thể đánh bật cũng như ngăn chặn được các lực lượng Ukraine đến gần đường băng.
Hơn nữa, đoán trước được kế hoạch của VDV Nga, các đơn vị phòng thủ Ukraine đã chủ động bố trí chướng ngại vật như xe buýt và máy kéo trên đường băng để ngăn cản máy bay vận tải Nga tăng cường cho làn sóng tấn công ban đầu của VDV.
Các chỉ huy quân sự Nga cũng không thể tăng cường thêm cho lực lượng lính dù ở hiện trường bằng việc điều động thêm trực thăng đổ bộ tới - một sự thất bại hoàn toàn về mặt học thuyết.