Linh hoạt bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình mới tại đồng bằng sông Cửu Long

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình mới tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được thực hiện trực tuyến và trực tiếp, nhằm đảm bảo kế hoạch.

GV tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn Chương trình, SGK lớp 2, lớp 6.

GV tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn Chương trình, SGK lớp 2, lớp 6.

Không để dịch bệnh ảnh hưởng tiến độ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để không ảnh hưởng đến tiến độ chọn SGK và tập huấn. Các địa phương và nhà xuất bản đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách. Kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn SGK cho giáo viên; tránh tình trạng tập huấn không đảm bảo chất lượng...

Thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước. Công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn diễn ra với sự linh động từ các cơ sở, bằng giải pháp kết hợp giữa bồi dưỡng trực tuyến (trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS) và bồi dưỡng trực tiếp do các giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ. Công thức bồi dưỡng là 5-3-7 (học viên có 5 ngày tự học qua LMS, 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp, 7 ngày tự hoàn thành bài học qua LMS). Đến nay, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cốt cán tại các địa phương đã tiếp cận mô đun 2 kịp thời, hiệu quả.

Để việc bồi dưỡng đạt chất lượng, hiệu quả, giáo viên cốt cán cần hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên hệ thống LMS và trong 3 ngày học trực tiếp, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp mô đun 2 và khảo sát cuối khóa học. Ngay sau khi trở về địa phương, các giáo viên cốt cán có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp triển khai đại trà các mô đun.

Theo thầy Phan Song Đại Ân, giáo viên cốt cán Trường Tiểu học Tân Phú Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp): “Được tham gia khóa bồi dưỡng, tôi cùng đồng nghiệp được mở mang rất nhiều. Thông qua bồi dưỡng đã tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc khi tìm hiểu trực tuyến 5 ngày tại địa phương. Tôi rất vui mừng vì từng hoạt động cụ thể khi giảng dạy đã được thông suốt, am tường hơn. Sau bồi dưỡng, những kiến thức thu nhận được, những cách làm mới được chia sẻ, được thực hành sẽ được chuyển tải lại cho toàn thể giáo viên…”.

Huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp), bên cạnh công tác phòng chống dịch, việc bồi dưỡng giáo viên Chương trình mới cũng được khẩn trương. Do giáo viên vừa dạy học, vừa thực hiện giải pháp phòng chống dịch nên việc bồi dưỡng được linh động.

Mỗi đợt bồi dưỡng, điểm cầu chính đặt tại Sở GD&ĐT và 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố. Để hoàn thành nội dung và yêu cầu cần đạt, trên tài khoản cá nhân được Viettel Đồng Tháp cấp, mỗi học viên tự bồi dưỡng qua mạng, tự nghiên cứu, tự học và hoàn thành các bài tập 5 ngày trước khi học trực tuyến. Sau đó hoàn thành nội dung học tập trên tài khoản cá nhân ngay sau khi kết thúc bồi dưỡng trực tuyến 7 ngày.

Theo ông Đoàn Văn Trí, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, Phòng GD&ĐT yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn cần phải hết sức tập trung. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong việc nghiên cứu tất cả các SGK theo danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đặc biệt, cán bộ quản lý, giáo viên cần nắm chắc Chương trình GDPT 2018…

Công tác lựa chọn, chuẩn bị đội ngũ thực hiện Chương trình mới được triển khai từ rất sớm để tiến hành bồi dưỡng, đảm bảo kế hoạch.

Công tác lựa chọn, chuẩn bị đội ngũ thực hiện Chương trình mới được triển khai từ rất sớm để tiến hành bồi dưỡng, đảm bảo kế hoạch.

Chuẩn bị chu đáo đội ngũ

Đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình mới được các địa phương đặc biệt quan tâm. Công tác lựa chọn, chuẩn bị đội ngũ được triển khai từ rất sớm để tiến hành bồi dưỡng, đảm bảo kế hoạch

Tại TP Cần Thơ, trao đổi về công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ triển khai Chương trình mới. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Qua rà soát, lập danh sách giáo viên chuẩn bị dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học tới, Sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cốt cán; tập huấn giáo viên đại trà; tập huấn sử dụng SGK. Ðồng thời tổ chức bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên các cấp học bậc học theo mô-đun đã được Bộ GD&ÐT triển khai.

Theo bà Trần Hồng Thắm, 100% giáo viên được phân công giảng dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 được bồi dưỡng các mô-đun theo quy định trước 31/7/2021. Ngành tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cấp. Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm, nhóm chuyên môn theo quận, huyện, cụm trường… để giúp đội ngũ giáo viên trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy Chương trình GDPT mới.

Hiện tỉnh Trà Vinh cũng đang khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho việc triển khai chương trình, SGK lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022. Trà Vinh cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt việc tập huấn giáo viên. Theo đó, tỉnh đã tổ chức tạo tài khoản cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên để tiến hành bồi dưỡng đại trà Chương trình GDPT 2018…

Theo thầy Phạm Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh: “Trường đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, SGK lớp 2. Hiện có 99% cán bộ quản lý, giáo viên được cấp tài khoản và tập huấn theo Chương trình ETEP. Đồng thời, 100% giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và được Trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá đạt. Riêng đối với cán bộ quản lý, giáo viên đại trà có 98% được bồi dưỡng Chương trình GDPT mới và chương trình môn học”.

Theo chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên, việc bồi dưỡng phát huy hiệu quả nhờ giải pháp đổi mới phương thức bồi dưỡng. Cụ thể là từ trực tiếp sang bồi dưỡng đảm bảo đạt mục tiêu vừa bồi dưỡng thường xuyên, vừa liên tục, tại chỗ, vừa có sự có hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán, vừa ứng dụng CNTT qua hệ thống LMS, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Qua đó cũng giúp đội ngũ giáo viên chuyển hóa quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/linh-hoat-boi-duong-giao-vien-trien-khai-chuong-trinh-moi-tai-dbscl-fRMeATjGg.html