Linh hoạt cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương

Chiều 16/1, thảo luận về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội sẽ kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc về dự thảo Nghị quyết.

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm quy định tại Khoản 1, Điều 4, đại biểu Nguyễn Quốc Luận thống nhất với quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành. Do đó, không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: “Cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới” để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại khoản 5, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã trình Quốc hội 2 Phương án:

Phương án 1: Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Chính phủ đề xuất quy định các nội dung cơ chế như sau: Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân; Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Phương án 2: Đề xuất nội dung chính sách đặc thù như phương án tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể: Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản; Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án; Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lựa chọn phương án 1 sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở, thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này. Bởi theo quy định, tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được hỗ trợ từ cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn tự có của chủ dự án (chủ trì liên kết, cộng đồng người dân).

Tuy nhiên, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chỉ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; không quy định về việc xử lý tài sản của dự án hỗn hợp trong đó có một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phần lớn là các dự án hỗ trợ mua sắm cây con giống, ít hình thành tài sản cố định nên việc xác định, theo dõi, kiểm kê tài sản hình thành sau thực hiện dự án rất khó khăn.

Việc quy định tài sản hình thành sau dự án đối với phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là tài sản công, phải theo dõi, kiểm kê bàn giao như phương án 2 sẽ rất khó khăn cho các cơ quan quản lý, không khuyến khích được người dân tham gia thực hiện dự án. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, đề xuất quy định tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không phải là tài sản công theo phương án 1 là hoàn toàn phù hợp.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 318/QĐ-TTg về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, theo hướng điều chỉnh các chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Xem xét bổ sung đối tượng "Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên" vào danh sách đối tượng thụ hưởng của Chương trình tại Quyết định 1719/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg…

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/linh-hoat-can-doi-su-dung-nguon-luc-phuc-vu-cho-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-cac-dia-phuong-post281216.html