Linh hoạt công cụ chính sách, giữ vững nền kinh tế ASEAN

Cụ thể hóa các nỗ lực tăng cường hợp tác tài chính khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang quyết liệt nâng cao khả năng linh hoạt công cụ chính sách để đạt được mục tiêu tăng trưởng, giữ ổn định nền kinh tế. Điều này tiếp tục được minh chứng rõ thông qua hội nghị cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thủ đô Jakarta, Indonesia vừa qua.

Quang cảnh AFMGM lần thứ 10 tại Thủ đô Jakarta, Indonesia vừa qua. Ảnh: ASEAN

Quang cảnh AFMGM lần thứ 10 tại Thủ đô Jakarta, Indonesia vừa qua. Ảnh: ASEAN

Tăng cường kết nối, linh hoạt công cụ chính sách

AFMGM vừa qua không chỉ có sự tham dự của các quan chức ASEAN, các bộ trưởng, thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thành viên ASEAN, mà còn có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, như: Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế khu vực ASEAN và Nam Á (ERIA), Kinh tế trưởng Cơ quan Giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN (AMRO), Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà dẫn đầu đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đáng chú ý, tại hội nghị, các tổ chức quốc tế chia sẻ dự báo về điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 (còn khoảng 2,1 - 3%) và dự báo xu hướng dần phục hồi vào năm 2024. Nền kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu các rủi ro và có khả năng lan truyền do tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn ở mức cao, trong khi khu vực tài chính gặp nhiều biến động, các rủi ro địa chính trị toàn cầu gia tăng, cùng với đó là các thách thức về biến đổi khí hậu. Mặt khác, nền kinh tế ASEAN cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của diễn biến kinh tế thế giới. Theo đánh giá của AMRO, khu vực ASEAN+3 được dự báo tăng trưởng 4,6% và đối mặt với một số rủi ro liên quan tới động thái thắt chặt tiền tệ của Mỹ, tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Mỹ và châu Âu...

Đánh giá về kết quả hội nhập ngân hàng ASEAN năm 2023, các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính ghi nhận nỗ lực của Ủy ban cấp cao về hội nhập ngân hàng ASEAN (SLC) và các nhóm công tác trong việc tích cực phối hợp và triển khai hiệu quả các sáng kiến hợp tác; đồng thời, đưa ra các chỉ đạo về mặt định hướng nhằm thúc đẩy sớm hoàn thành các mục tiêu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

AFMGM lần thứ 10 cũng dành nhiều chú trọng đối với một số trọng tâm hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính của ASEAN. Các bộ trưởng và thống đốc cũng cùng rà soát lại hoạt động của các nhóm công tác trong lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN với mục tiêu tăng cường khả năng phát triển thị trường vốn và tự do hóa hơn nữa dịch vụ tài chính khu vực.

Theo đó, về kết nối thanh toán xuyên biên giới, các đại biểu đánh giá cao các kết quả đáng ghi nhận của Nhóm công tác về hệ thống thanh toán ASEAN (WC-PSS) trong việc triển khai nghiên cứu phương thức đo lường việc đạt được các mục tiêu về thanh toán xuyên biên giới. Cùng với đó là hoàn thành việc sửa đổi điều khoản tham chiếu của nhóm để cập nhật các diễn biến mới trong lĩnh vực thanh toán. Hội nghị hy vọng rằng, WC-PSS sẽ tiếp tục có các đánh giá, phân tích sâu hơn về cách thức sử dụng giao dịch đồng bản tệ nhằm giảm thiểu chi phí thanh toán xuyên biên giới.

Đối với việc tăng cường sử dụng đồng bản tệ, hội nghị đánh giá cao các nỗ lực của Nhóm công tác về tự do tài khoản vốn (WC-CAL) trong việc kết nối đối thoại chính sách, trao đổi thông tin, thống kê về luân chuyển dòng vốn giữa các quốc gia ASEAN. Hội nghị cũng hoan nghênh việc thành lập Nhóm đặc trách về giao dịch đồng bản tệ (LCT-TF) và thông qua các nguyên tắc chung về Khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ khu vực ASEAN. Các thống đốc ngân hàng trung ương tin tưởng Nhóm đặc trách LCT sẽ đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các hiệp định về giao dịch bằng đồng bản tệ song phương giữa các nước ASEAN với nhau.

AFMGM lần thứ 10 ghi nhận, ASEAN tiếp tục quá trình phục hồi kinh tế, dù có chậm lại và là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN được củng cố bởi nhu cầu nội địa vững chắc và được hỗ trợ nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Dù vậy, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro, ASEAN cần tiếp tục củng cố chính sách vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và giữ ổn định nền kinh tế.

Việt Nam thúc đẩy hiệu quả hợp tác tài chính ASEAN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ những bất ổn của thế giới và khu vực, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp mạnh mẽ để phục hồi tăng trưởng. Đối với các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào các tiến trình hợp tác. Trong năm 2023-2024, Bộ Tài chính Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch tiến trình hợp tác bảo hiểm ASEAN và dự kiến tổ chức Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) lần thứ 26 vào tháng 12 năm nay.

Các nhà lãnh đạo tại AFMGM lần thứ 10. Ảnh: ASEAN

Các nhà lãnh đạo tại AFMGM lần thứ 10. Ảnh: ASEAN

Khẳng định về một trong những lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy của Việt Nam là tự do hóa dịch vụ tài chính chiều sâu, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, mức độ cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam cũng thuộc nhóm đầu trong khu vực. Hiện, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các khuôn khổ đàm phán với mục tiêu xây dựng thị trường ASEAN minh bạch và hội nhập sâu rộng. Nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính trong ASEAN đã đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ đối ngoại, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chính sách, góp phần nâng cao vị thế quốc gia và hỗ trợ cho các chính sách của ngành tài chính Việt Nam.

Bình luận từ truyền thông khu vực cho biết, AFMGM lần thứ 10 vừa qua là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh nền tài chính toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức mang tính lịch sử. Được đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới ngay cả trong những giai đoạn bất ổn, ASEAN được nhiều kỳ vọng tạo ra lực đẩy phát triển cho nền tài chính khu vực, từ đó lan tỏa rộng khắp thế giới.

AFMGM được tổ chức lần thứ 2 trong năm nay theo sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia, trong khi thông thường chỉ tổ chức mỗi năm 1 lần. Mục đích của việc tổ chức hội nghị lần thứ 2 trong năm là cập nhật thường xuyên hơn tình hình hoạt động của các nhóm công tác ASEAN, cũng như tiến trình hội nhập ngành ngân hàng, tài chính khu vực ASEAN trong nửa cuối năm 2023, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn còn biến động và tiềm ẩn các rủi ro.

Cùng với đó, hội nghị cũng là dịp để các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước ASEAN có dịp đối thoại chính sách với các tổ chức quốc tế về tình hình và viễn cảnh kinh tế thế giới và khu vực. Đồng thời trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô và gìn giữ tính ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong bối cảnh mới. Điều này cũng thúc đẩy việc đưa ra những chỉ đạo trực tiếp, cụ thể về định hướng hoạt động của các nhóm công tác về hợp tác tài chính ASEAN.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/linh-hoat-cong-cu-chinh-sach-giu-vung-nen-kinh-te-asean-post465704.html