Linh hoạt đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho từng đối tượng
ĐBP - 6 tháng đầu năm, Trung tâm Chính trị TP. Điện Biên Phủ đã tổ chức và phối hợp tổ chức mở 27 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT), nghiệp vụ cho gần 1.500 học viên là cán bộ, đảng viên, hội viên trên địa bàn. Tưởng rằng công tác này tại thành phố có lợi thế về trình độ dân trí và học vấn của cán bộ, đảng viên, nhân dân để tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên thành phố có 7 phường, 5 xã, trong đó có 4 xã vùng ngoài, mới sáp nhập, nên việc bồi dưỡng LLCT cũng có đặc thù với sự phân hóa đối tượng rõ ràng, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, phù hợp, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu từng chuyên đề, từng đối tượng.
Với địa bàn nhiều xã, phường như thành phố, 1 lớp học có thể có nhiều đối tượng khác biệt nhau, như: Nông dân với cán bộ các cơ quan, đơn vị, thạc sĩ với người có trình độ học vấn hết lớp 2, người công tác lâu năm với người trẻ mới đi làm... Bởi vậy ngoài nội dung giảng dạy chung, giảng viên còn có sự quan tâm đặc biệt, dành thời gian trò chuyện, trao đổi, hướng dẫn thêm để học viên có thể liên hệ thực tế, tiếp cận vấn đề theo hướng của mình. Đối với những lớp học được tổ chức theo từng địa bàn, giảng viên cũng có sự chuẩn bị phù hợp.
Ông Đặng Việt Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Nhiều chương trình có khối lượng kiến thức rất lớn. Để lớp học hiệu quả, cách giảng dạy luôn phải linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ như các xã vùng ngoài, khi mở lớp đầu tiên phải lựa chọn giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm công tác vùng cao, có sự hiểu biết cuộc sống ở địa bàn. Khi giảng dạy tập trung truyền đạt những thông tin cốt lõi kèm dẫn giải sâu, giải thích cặn kẽ, phải có sự liên hệ thực tế, đối chiếu, so sánh để người học dễ hiểu, nếu lý luận thuần túy thì sẽ khó tiếp cận. Bởi vậy người dạy cũng cần có sự đầu tư tìm hiểu địa bàn, trao đổi với cán bộ, lãnh đạo địa phương để hiểu và có thể lồng ghép các thông tin địa bàn trong bài giảng”.
Còn đối với khu vực trung tâm thành phố, dân trí cao nên yêu cầu về thông tin cũng cao hơn. “Một số lớp, chúng tôi mời giảng viên Trường Chính trị tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia giảng dạy. Đặc biệt, thời gian qua, thành phố triển khai nhiều chương trình, dự án lớn gắn với nghị quyết của tỉnh, của thành phố. Mỗi giảng viên, báo cáo viên phải nắm chắc từng dự án liên quan đến địa bàn mình giảng dạy để có thể liên hệ thực tế, lồng ghép đưa thông tin thời sự, triển khai các nghị quyết, chương trình dự án vào bài giảng một cách phù hợp, đúng và thuyết phục, thông qua đó góp sức tuyên truyền đến người dân” - ông Đặng Việt Hùng cho biết thêm.
Hoạt động thực tế trong mỗi khóa học cũng được Trung tâm Chính trị thành phố quan tâm tổ chức. Lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng thường được tổ chức cho tham quan các di tích lịch sử có thuyết minh viên dẫn dắt. Mục đích để học viên hiểu hơn về chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng khi chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” đã được giảng trong khóa học. Đối với lớp bồi dưỡng đảng viên mới, hoạt động thực tế được tổ chức tại các mô hình kinh tế tiêu biểu trong thành phố như: Phát triển chăn nuôi, VAC, cây ăn quả, sản xuất kinh doanh... để các đảng viên mới học hỏi, nghiên cứu, thúc đẩy tinh thần lao động, sáng tạo.
TP. Điện Biên Phủ hiện có 2 giảng viên LLCT chuyên trách, 17 giảng viên kiêm chức, 19 báo cáo viên, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng LLCT trên địa bàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn thành phố đã và đang được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, trong đó, nhấn mạnh tập trung chỉ đạo, đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên nhất quán quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Cùng với đó, Trung tâm Chính trị thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh việc mở rộng liên kết với các sở, ngành trong tỉnh mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên. Các nội dung gắn chặt với những nhiệm vụ đang đặt ra của thành phố.
Dù đã linh hoạt, sáng tạo với những hiệu quả thiết thực, nhưng trước tình hình thực tiễn, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT trên địa bàn thành phố vẫn đòi hỏi phải được đổi mới mạnh mẽ hơn cả về chương trình, nội dung, phương pháp. Sao cho sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, đảng viên có nhận thức chính trị vững vàng hơn, hiệu quả công tác được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa bàn.