Linh hoạt dạy học Giáo dục địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long
Tài liệu giáo dục địa phương được nhà trường linh động giảng dạy; công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phụ trách môn học cũng được chú trọng.
Chú trọng tập huấn đội ngũ
Chuẩn bị đội ngũ giảng dạy Giáo dục địa phương năm học 2023 - 2024, thời điểm nghỉ hè, ngành Giáo dục Sóc Trăng tổ chức tập huấn giáo viên. Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, Bộ GD&ĐT phê duyệt Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 8 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh Sóc Trăng vào tháng 12/2022.
Để đảm bảo việc giảng dạy, tháng 8/2023 Sở GD&ĐT Sóc Trăng tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Sóc Trăng lớp 8. Đợt tập huấn được chia thành 6 lớp với đối tượng là cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương lớp 8 trong năm học 2023 - 2024.
Nội dung tập huấn giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm được cấu trúc, nội dung chương trình, tiếp cận với nội dung tài liệu, định hướng xây dựng kế hoạch phân công giảng dạy. Thiết kế kế hoạch bài dạy và kiểm tra đánh giá trong tổ chức giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương tỉnh Sóc Trăng ở lớp 8. Giúp giáo viên có bước chuẩn bị tốt cho công tác giảng dạy trong năm học 2023 - 2024.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, Sở vừa hướng dẫn việc triển khai nội dung Giáo dục địa phương đối với cấp THCS, THPT năm học 2023 - 2024. Theo đó, bố trí triển khai dạy học các chủ đề theo khung phân phối chương trình đã được phê duyệt của cấp THCS và THPT.
Căn cứ vào nội dung Giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công dạy học theo từng chủ đề, bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ, phù hợp với năng lực của giáo viên. Nhà trường triển khai các nội dung này một cách linh hoạt qua các hình thức tổ chức hoạt động học tập khác nhau, tránh nặng nề quá tải.
Việc đánh giá đối với nội dung giáo dục của địa phương ở Bến Tre bằng hình thức nhận xét. Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ thực hiện tại Điều 6, 7 của Thông tư số 22/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Theo Sở GD&ĐT Bến Tre, hiện việc in ấn và phát hành Tài liệu Giáo dục địa phương chưa thể thực hiện nên các cơ sở giáo dục tạm thời dùng file PDF do Sở GD&ĐT chuyển đến các đơn vị...
Tỉnh Trà Vinh tập trung tập huấn, hướng dẫn sử dụng Tài liệu Giáo dục địa phương cho 100% giáo viên các trường Tiểu học, THCS. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương; thành lập Ban Biên soạn; thành lập Hội đồng Thẩm định.
Trong đó xác định cụ thể nội dung, tiến độ thời gian, kinh phí, phân công cụ thể cho các sở, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện. Sở GD&ĐT cũng xây dựng dự thảo và xin ý kiến của các sở, ban ngành của tỉnh, các địa phương, các Phòng GD&ĐT góp ý xây dựng khung tổng thể nội dung giáo dục địa phương...
Trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, Giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy giúp trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng - an ninh... Qua đó, học sinh hiểu biết thêm về tình hình kinh tế - xã hội phù hợp với lứa tuổi. Góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực của người học, nâng cao hiệu quả đổi mới dạy và học Chương trình GDPT 2018.
Như Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Trà Vinh lớp 6 có 12 bài về: vị trí địa lý, địa giới hành chính của tỉnh; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; thắng cảnh, lễ hội truyền thống của Trà Vinh; truyện dân gian; các làng nghề truyền thống, đa dạng sinh thái rừng ngập mặn; truyền thống đoàn kết của tỉnh… được phân bổ 35 tiết học, có vị trí tương đương các môn học khác.
Cô Trần Thị Thùy Linh, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tập Sơn (huyện Trà Cú, Trà Vinh) đảm nhận giảng dạy Giáo dục địa phương lớp 6. Theo cô Thùy Linh, Tài liệu Giáo dục địa phương gần gũi với cuộc sống, nhất là những nội dung liên quan đến thắng cảnh, lễ hội truyền thống của tỉnh nên học sinh rất hào hứng. Học sinh có thể kể được tên các thắng cảnh, các lễ hội của tỉnh và nói lên ý nghĩa của những lễ hội đó. Sau đó, giáo viên giảng cụ thể để học sinh nắm vững thêm…
Tại tỉnh Cà Mau, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Tài liệu Lịch sử - Địa lý địa phương tỉnh Cà Mau trong nhiều năm qua (tài liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do NGND.TS Thái Văn Long làm chủ biên). Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới, Giáo dục địa phương được xây dựng trên cơ sở tổng thể. Trong đó thể hiện đầy đủ các mạch nội dung, yêu cầu năng lực cần đạt, tính kết nối…
Mục tiêu của tài liệu Giáo dục địa phương là trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Góp phần xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình GDPT 2018…