Linh hoạt để giữ chân người lao động

Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất chờ dịch đi qua. Các đơn hàng giảm đồng nghĩa việc làm ngày càng ít. Thực tế tình hình ở nhiều doanh nghiệp gia công dệt may, da giày đang ở tình trạng rất khó khăn khi sức ép việc làm cho hàng triệu lao động ngày càng lớn. Bằng mọi cách, nhiều doanh nghiệp (DN) cố gắng duy trì việc làm cho lao động (LĐ), bởi với họ đó chính là tài sản rất lớn của DN.

Linh hoạt để giữ chân người lao động

MAI QUÝ

Thứ Hai, 24-08-2020, 17:37

+ | Print

Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất chờ dịch đi qua. Các đơn hàng giảm đồng nghĩa việc làm ngày càng ít. Thực tế tình hình ở nhiều doanh nghiệp gia công dệt may, da giày đang ở tình trạng rất khó khăn khi sức ép việc làm cho hàng triệu lao động ngày càng lớn. Bằng mọi cách, nhiều doanh nghiệp (DN) cố gắng duy trì việc làm cho lao động (LĐ), bởi với họ đó chính là tài sản rất lớn của DN.

Cố gắng cầm cự

Tại Đà Nẵng, trong mùa dịch Covid-19, chỉ riêng ngành dệt may đã có hơn 2.000 LĐ ở các khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm, Hòa Khánh và Sơn Trà bị mất việc do thiếu nguyên liệu và đối tác từ Mỹ, châu Âu (EU) tạm ngưng đơn hàng... Các DN ở Đà Nẵng đã xoay xở mọi cách từ tìm kiếm thị trường nguyên liệu cũng như xuất khẩu mới, giãn việc, cho nghỉ phép năm... để NLĐ không bị mất việc làm. Nhưng đến khi hai thị trường xuất khẩu lớn và chủ đạo là Mỹ, EU tạm ngưng đơn hàng từ Việt Nam thì gần như DN lực bất tòng tâm.

“Chúng tôi đã thật sự hết cách”, ông Hồ Sĩ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vinakad - chuyên về dệt may xuất khẩu qua Mỹ ở khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) nói. Vinakad là gương điển hình của Đà Nẵng trong thời kỳ đầu khi “một tay chống dịch, một tay tìm việc làm cho NLĐ”, nhưng đến lúc cũng buộc phải cho gần 200 LĐ nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty MTV Phong Sơn (Quảng Nam) cho hay, đơn vị mình vừa cắn răng cho 100 LĐ nghỉ việc do hàng (may mặc) xuất khẩu sang các nước châu Âu bị tê liệt. “Trước kia thì giãn việc, chia ca tạo điều kiện cho NLĐ làm, nhưng sau hàng may mặc không thể xuất khẩu. Hiện tại, các đơn hàng đã hết nên chỉ sản xuất các mặt hàng trong nước như khẩu trang để cầm chừng cho 130 LĐ còn làm việc. Thật sự, không ai muốn sa thải, đặc biệt là lúc khó khăn để NLĐ lo cho gia đình. Nhưng nếu chia giờ quá ít thì lại không đủ mức sống và làm tốn thời gian của NLĐ có thể dành để tìm công việc khác kiếm thu nhập cao hơn”, ông Sơn chia sẻ.

Giữa bộn bề tin các DN chung quanh phải cắt giảm hàng trăm, hàng nghìn LĐ thì hơn 1.000 NLĐ Công ty TNHH MTV Phát triển Trang phục phụ nữ kiểu Pháp (Công ty F.L.D) ở Khánh Hòa những ngày qua vẫn giữ được việc làm, thu nhập ổn định. Ông Võ Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty F.L.D cho hay: “Đợt này căng lắm, nhưng khó thế nào thì chúng tôi cũng tìm mọi cách để lo cho NLĐ. Dịch Covid-19 khiến hàng loạt đối tác không nhận hàng, giờ là không có đơn hàng, đối tác thanh toán chậm… Từ tháng 3-2020, mọi thứ rất khó khăn, tôi cùng ban lãnh đạo tổ chức lại sản xuất, bố trí cho NLĐ làm giãn ca. Các đơn hàng đang có bố trí cho NLĐ chia nhau làm. Đồng thời, chúng tôi động viên NLĐ tiết kiệm tối đa, nâng cao năng suất để tồn tại, bố trí LĐ ở những bộ phận còn việc làm để anh em không một ai phải nghỉ việc. Hiện, các đơn hàng may xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc bị ách lại, chúng tôi xuất sang các dòng sản phẩm phụ liệu khác để tạo và giữ việc cho NLĐ. Khó nhất hàng xuất đi nhưng khách xin trả chậm, không có tiền trả lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ, tôi mong NLĐ chia sẻ. Tiền về thì việc đầu tiên là chi ngay lương cho NLĐ. Cùng với việc giữ vững việc làm cho hơn 1.000 LĐ, những trường hợp LĐ khó khăn, có vợ chồng bị mất việc, công đoàn (CĐ) công ty đề xuất với CĐ cấp trên hỗ trợ...”.

Đề xuất xây dựng hệ thống khai báo việc

Theo số liệu công bố, bảy tháng năm 2020, lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 686.214 người, tăng 32% so cùng kỳ năm 2019. Sáu tháng qua, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29 nghìn, tăng 38,2% so cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong quý II - 2020, số LĐ thất nghiệp trong độ tuổi LĐ là khoảng 1,3 triệu người.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) dự báo, số LĐ mất việc làm có thể tăng khoảng 100 nghìn người/tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số DN bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số LĐ bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người. Nếu như trong nửa đầu năm ngoái, lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 54,4 triệu người, đến nay đã giảm xuống còn 51,8 triệu người (giảm 2,6 triệu người).

Về bảo hiểm thất nghiệp, bảy tháng năm 2020, số lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 686.214 người, tăng 32% so cùng kỳ năm 2019. Những tháng năm 2019, bình quân 60 nghìn - 70 nghìn người, nhưng năm nay bình quân mỗi tháng gần 100 nghìn người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù thị trường LĐ đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, một số ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi việc làm, LĐ bị ngừng việc nay đã trở lại thị trường. Tuy nhiên, sáu tháng qua chỉ giải quyết được 120 nghìn việc làm mới so với hàng triệu người bị mất việc.

Dự báo đến cuối năm có 70% số DN và 3,5 - 5 triệu LĐ gặp khó khăn. Do đó, theo ông Vũ Quang Thọ, chuyên gia lao động việc làm, thì cần phải xây dựng một hệ thống khai báo việc làm nhằm hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh để giữ việc làm cho NLĐ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/linh-hoat-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-614160/