Linh hoạt để người dân tiếp cận nguồn vốn vay

BHG - Nằm trên địa bàn thành phố Hà Giang, Phòng giao dịch (PGD) Bắc Vị Xuyên quản lý địa bàn các xã Kim Linh, Kim Thạch, Phú Linh, Thuận Hòa, Minh Tân, Tùng Bá và 3 xã của thành phố Hà Giang nhằm kịp thời hỗ trợ người nông dân tiếp cận với nguồi vốn vay tín dụng của Agribank để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Xác định sứ mệnh của Agribank là hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là trên địa bàn tỉnh Hà Giang có tỷ lệ người dân làm nông nghiệp là rất lớn, đặc biệt là địa bàn các xã mà PGD quản lý. Vì vậy, trách nhiệm đặt ra với mỗi cán bộ, nhân viên là làm sao đưa nguồn vốn tín dụng để người nông dân tiếp cận nhanh nhất và kịp thời nhất. Để thực hiện kế hoạch đề ra, PGD đã đề ra nhiều giải pháp, chiến lược kinh doanh nhằm phát huy hiệu quả nguồn tín dụng.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, lãnh đạo PGD đã làm việc với cấp ủy, chính quyền các địa phương để nắm định hướng, chiến lược phát triển kinh tế của xã, cũng như nhu cầu vay vốn của người dân để phát triển kinh tế phù hợp với định hướng đã đề ra. Từ đó, sẽ phân công mỗi cán bộ phụ trách, theo dõi từng địa bàn để kịp thời xử lý, hỗ trợ người dân.

Nhân viên Phòng giao dịch Bắc Vị Xuyên kiểm tra hiệu quả nguồn vốn vay của gia đình anh Nguyễn Thái Thụy, thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên).

Nhân viên Phòng giao dịch Bắc Vị Xuyên kiểm tra hiệu quả nguồn vốn vay của gia đình anh Nguyễn Thái Thụy, thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên).

Bên cạnh đó, để người dân biết và tiếp cận với nguồn vốn của Agribank nhanh hơn, PGD đã thành lập các tổ vay vốn tại các xã, tổ trưởng do nhân dân trong xã bầu ra, hoặc là cán bộ xã trực tiếp thực hiện. Từ khi có tổ vay vốn tại xã, nguồn vốn của ngân hàng được nhiều người dân biết hơn. Khi người dân có vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn vốn thì tổ vay vốn sẽ là đầu mối đầu tiên của ngân hàng xử lý, giải đáp cho nhân dân. Nhờ có nguồn vốn vay kịp thời mà nhiều người dân khu vực PGD quản lý đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bác Trần Chí Công, thôn Nà Ngoan, xã Kim Thạch (Vị Xuyên) là một ví dụ điển hình. Năm 2021, bác Công mạnh dạn vay 200 triệu của Agribank từ PGD để mở rộng chăn nuôi trâu, cá, nhím và gà ta đẻ trứng, mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng. Bác Công chia sẻ: Tôi không quy hoạch chuồng trại để chăn nuôi theo hướng gia trại, mà ngược lại tôi lại nuôi những con vật mà có giá trị kinh tế cao như nhím, gà Tre, gà Chọi, chim Trĩ mang lại nguồn thu rất tốt. Xác định lấy ngắn nuôi dài nên mùa nào gia đình tôi cũng có thứ để bán. Năm sau đáo hạn khoản vay, bác tôi dự định vay thêm 200 triệu đồng nữa để trồng cây, phát triển rừng.

Hay như anh Nguyễn Thái Thụy, thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên), mạnh dạn vay 200 triệu đồng của Agribank để chăn nuôi bò, nuôi lợn theo hướng trang trại. Nhờ có kỹ thuật, lại chăm chỉ, cần cù nên trong năm 2021 anh thu lãi từ chăn nuôi bò được 60 triệu đồng, từ lợn được 100 triệu đồng; năm 2022 thu lãi từ lợn được gần 100 triệu đồng; năm 2023 thu lãi gần 140 triệu đồng từ chăn nuôi lợn và bò. Anh Thụy chia sẻ, 2 năm trở lại đây giá bò giảm khoảng 40% nên lãi được ít hơn. Chăn nuôi có lãi nên anh Thụy đã làm được con đường bê tông dài gần 400 m từ thôn vào đến nhà; cất được căn nhà sàn khang trang, sạch đẹp.

Đó là 2 trong nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn của Agribank phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đồng chí Đinh Viết Cường, Giám đốc PGD cho biết: Hiện nay, PGD đang quản lý dư nợ 250 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp là trên 90 tỷ đồng, với khoảng 500 khách hàng là nông dân. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, chúng tôi linh hoạt các khoản vay để người dân tiếp cận được. Chu kỳ cho vay cũng phải phù hợp với chu kỳ phát triển của con vật và cây trồng. Có như vậy, người dân mới có đủ thời gian để hoàn lại vốn vay và phát triển chu kỳ chăn nuôi, trồng trọt mới.

Bài, ảnh: Lê Lâm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/linh-hoat-de-nguoi-dan-tiep-can-nguon-von-vay-54d44b2/