Linh hoạt giải pháp, đưa vốn chính sách đến vùng khó khăn

Đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lục Nam (Bắc Giang) triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, tạo thêm động lực để người dân phát triển kinh tế, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo.

Mở hướng sản xuất mới

Gia đình anh Tô Văn Thùy (SN 1984), dân tộc Tày, thôn Bãi Ô, xã Nghĩa Phương nhiều năm thuộc diện nghèo. Năm 2019, trong lúc loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, vợ chồng anh được tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện để trồng cây ăn quả.

 Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam kiểm tra việc sử dùng nguồn vốn vay ưu đãi của gia đình anh Tô Văn Thùy.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam kiểm tra việc sử dùng nguồn vốn vay ưu đãi của gia đình anh Tô Văn Thùy.

Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, anh cải tạo hơn 6 sào lúa kém hiệu quả sang trồng na. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, na phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, thu lãi gần 100 triệu đồng. Từ cây na, có tiền tích lũy xây nhà nên năm 2023 gia đình anh thoát nghèo.

Tương tự, từ 100 triệu đồng vốn vay chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, tháng 7 vừa qua, gia đình bà Vi Thị Đại (SN 1963), dân tộc Tày, thôn Mương Làng (cùng xã Nghĩa Phương) mua phân bón chăm sóc một mẫu na và cải tạo 3 ha đất rừng để đưa bạch đàn giống mới vào trồng.

“Trước đây, gia đình tôi được vay vốn để chuyển đổi cây trồng và thoát nghèo. Giờ lại được vay vốn ưu đãi để phát triển, mở rộng sản xuất. Vài năm nữa, khi diện tích bạch đàn đến chu kỳ khai thác, gia đình sẽ có nguồn thu lớn”, bà Đại chia sẻ.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam, 8 tháng năm nay, doanh số cho vay đạt hơn 146,7 tỷ đồng với 2.729 lượt khách hàng vay vốn; mức vay bình quân 53,7 triệu đồng/hộ. Qua đó, nâng tổng dư nợ toàn huyện lên 905,5 tỷ đồng, tăng 46,12 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao. Trường hợp ông Dương Văn Minh, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn là một ví dụ. Đầu năm 2021, ông vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội để đầu tư xây dựng 3 lò sản xuất than hoạt tính và trồng cây ăn quả. Hiện lò sản xuất than của gia đình ông đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 4 lao động địa phương.

Giải ngân nhanh, cho vay đúng đối tượng

Mặc dù trên địa bàn không còn xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) song đến nay huyện Lục Nam vẫn còn 44 thôn ĐBKK thuộc các xã: Bình Sơn, Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh, Trường Giang, Nghĩa Phương, Tam Dị và Bảo Sơn. Xác định nguồn vốn vay ưu đãi là đòn bẩy giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp để đưa vốn nhanh chóng đến với người có nhu cầu.

 Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam giải ngân vốn vay cho hộ nghèo xã Tam Dị.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam giải ngân vốn vay cho hộ nghèo xã Tam Dị.

Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả sử dụng, cùng với duy trì 382 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố, Phòng giao dịch NHCSXH huyện bố trí cán bộ phụ trách từng chương trình, địa bàn cụ thể, trong đó ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm đảm nhận thực hiện các chương trình có vốn lớn, đối tượng thụ hưởng nhiều.

Ngay sau khi có thông tin về khách hàng, cán bộ phụ trách lập danh sách, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn, bảo đảm nguồn vốn đến với khách hàng nhanh nhất. Cùng đó phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả.

Bà Phùng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: “Hiện toàn xã có gần 1,7 nghìn hộ đang được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện với tổng dư nợ gần 88,3 tỷ đồng. Nhờ được hướng dẫn nên các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hằng năm. Qua rà soát, cuối năm 2023, toàn xã còn 224 hộ nghèo, giảm 89 hộ so với năm 2022”.

Theo đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, trung bình mỗi năm, Lục Nam có gần 500 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,64% (năm 2023). Mặc dù vậy, một số xã có mức tăng trưởng thấp, một số chương trình tín dụng tăng trưởng âm…

Để tiếp tục đồng hành với người dân, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội cung cấp thông tin các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đến người dân. Hướng dẫn các địa phương tiêu chí bình xét đối tượng vay vốn, thủ tục vay vốn và lồng ghép với các chương trình KT-XH khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Ông Đàm Ngọc Nga, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam cho biết: “Để tăng dư nợ, trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, trình UBND huyện phê duyệt danh sách các trường hợp được thụ hưởng chính sách để giải ngân vốn đúng lộ trình. Tiếp tục quan tâm hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ, thẩm định chặt chẽ, bảo đảm cho vay đúng đối tượng”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/linh-hoat-giai-phap-dua-von-chinh-sach-den-vung-kho-khan-154736.bbg