Linh hoạt giải pháp duy trì sản xuất, giữ vững 'vùng xanh' doanh nghiệp
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, lan rộng ở khắp các tỉnh, thành đã buộc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong gần một tháng qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động giữ vững sản xuất và mong muốn có hướng dẫn cụ thể hơn để bảo vệ 'vùng xanh' an toàn trong DN.
Các DN ngành gỗ mong muốn hóa giải những khó khăn về vận tải để bảo đảm xuất khẩu và nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Rolchdate Spears, TX.Tân Uyên
Hóa giải khó khăn
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho biết trước tình hình dịch bệnh, công ty đã sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” gần 1 tháng. Đến nay, việc giữ an toàn cho vùng sản xuất được Minh Long I thực hiện tốt với 1.100 cán bộ, công nhân. Với sự đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng, công nghệ sản xuất đến nơi sinh hoạt khép kín nên đơn vị hoàn toàn chủ động thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, xuất khẩu, đồng thời bảo đảm tốt chế độ cho người lao động. Ông Lý Ngọc Minh bày tỏ mong muốn tiếp tục có hướng dẫn cụ thể từ các ngành chức năng để tổ chức mô hình sản xuất được an toàn sau thời gian cấp bách thực hiện “3 tại chỗ”.
Cũng theo quan điểm này, ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho biết việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” là cần thiết để thiết lập các “vùng xanh”, duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian tới các DN cần được tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn trong thực hiện an toàn sản xuất. Hơn nữa chi phí duy trì “3 tại chỗ” hiện nay quá cao, DN vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống ngày 3 bữa và xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với nhiều DN trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.
Ông Trần Thành Trọng cũng cho rằng, thuế, phí đang là gánh nặng cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. DN mong muốn Chính phủ giảm tối đa thuế, phí và cho phép DN hoạt động dựa trên kịch bản theo từng cấp độ an toàn dịch bệnh thay vì phải áp dụng một mô hình chung cho tất cả. Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, áp dụng công nghệ để giảm thiểu số lượng phương tiện, thời gian phải dừng. Nguyên tắc là xuyên suốt, phương tiện đi ra từ vùng dịch bệnh thì kiểm tra tại gốc, nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa. Nhà nước cần mở rộng đối tượng cấp phép lưu thông và siết chặt thủ tục sức khỏe của các tài xế. Các DN, hiệp hội cũng đồng loạt đề xuất Chính phủ đẩy nhanh việc phân bổ vắc xin khu vực sản xuất cho Bình Dương nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới.
Tăng cường hỗ trợ
Trong phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm với các bộ, ngành, địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế, coi sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết, đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. Theo đó, các bộ, ngành được yêu cầu khẩn trương đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, kết nối tiêu thụ, lưu thông. Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 linh hoạt, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu đủ điều kiện.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương đang nỗ lực để tiếp tục hỗ trợ các DN sản xuất an toàn theo phương án “3 tại chỗ”; quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được “vùng xanh” các địa phương ở phía bắc gồm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và TX.Bến Cát để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm căn cứ địa, vùng đệm vững chắc cho tấn công dịch tại các địa phương phía nam của tỉnh. 4 địa phương ở phía nam đang tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch bệnh, dập dịch bệnh nhanh nhất có thể, tiến tới kiểm soát được tình hình, “xanh hóa” toàn địa bàn. Lãnh đạo tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế sớm phân bổ vắc xin và tạo điều kiện cho Bình Dương kết nối để mua vắc xin, đáp ứng nhu cầu của người dân tỉnh nhà.