Linh hoạt kìm lạm phát

Trong khi các nước châu Á can thiệp nguồn cung nội địa để kiềm chế lạm phát thì phương Tây chọn cách thắt chặt chính sách tiền tệ như tăng lãi suất

Từ lệnh cấm xuất khẩu đến kiểm soát giá cả, chính phủ các nước châu Á đang thực hiện cách tiếp cận có mục tiêu hơn nhiều so với các nhà chức trách phương Tây trong việc kiềm chế áp lực lạm phát.

Theo Reuters, chiến lược này đang phát huy tác dụng, phần nào bảo vệ người dân khỏi một số đợt tăng giá và giúp hầu hết ngân hàng trung ương trong khu vực không phải tăng lãi suất nhanh chóng.

Đơn cử, Indonesia hồi tuần trước đã tăng trợ cấp năng lượng lên 24 tỉ USD để kiềm chế giá năng lượng sau động thái dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ gây tranh cãi. Mặc dù nhiều nhà bán lẻ ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này vẫn phải tăng giá nhưng nhu cầu hộ gia đình vẫn cao và lạm phát nằm trong biên độ mục tiêu 2%-4% của ngân hàng trung ương.

Tại Hàn Quốc, việc chính phủ áp trần hóa đơn điện đã làm tăng sức cạnh tranh cho các hãng như Samsung Electronics và Hyundai Motor, đồng thời giảm tác động lên các hộ gia đình.

Trong tháng này, Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì do đợt nắng nóng gay gắt làm giảm sản lượng và giá nội địa đạt mức cao kỷ lục. Tương tự, Malaysia trong tuần này cho biết sẽ ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà/tháng kể từ tháng 6 cho đến khi giá cả ổn định. Nước này cũng trợ giá nhiên liệu và dầu ăn.

Bắt gà giao cho khách ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia hôm 25-5. Ảnh: REUTERS

Bắt gà giao cho khách ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia hôm 25-5. Ảnh: REUTERS

Ngược lại, các nước phương Tây do dự trong việc can thiệp hoạt động sản xuất để ghìm giá các mặt hàng chủ chốt như thực phẩm, nhiên liệu. Trọng trách kiềm chế giá tại châu Âu và Mỹ hiện chủ yếu đặt vào chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương Mỹ, Anh và Canada đều đã tích cực nâng lãi suất. Theo biên bản cuộc họp được công bố hôm 25-5, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng phải tăng lãi suất nhanh chóng và thậm chí nhiều hơn mức thị trường dự đoán để kiềm chế lạm phát.

Thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ nâng lãi suất chính sách lên khoảng 2,5%-2,75% vào cuối năm nay, phạm vi được xem là "trung lập". Đầu tháng này, FED nâng lãi suất thêm 0,5 điểm %, đây là lần tăng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm qua với nỗ lực hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ đang ở mức đỉnh 40 năm.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã có cách tiếp cận khác. Hơn 100.000 quan chức các cấp đã tham dự cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 25-5 nhằm thảo luận biện pháp ổn định nền kinh tế.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 23-5 cũng đã họp và công bố 33 biện pháp kinh tế mới, bao gồm gia tăng hoàn thuế, mở rộng khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho ngành hàng không đang chật vật.

Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 26-5 cho biết sẽ hỗ trợ tín dụng cho các công ty nhỏ và kêu gọi các tổ chức tài chính ưu tiên cho vay ở khu vực miền Trung và miền Tây, cũng như những lĩnh vực bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) quyết định giảm lãi suất từ 14% còn 11% khi lạm phát tăng chậm lại và đồng rúp phục hồi. Đây là lần giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp kể từ đợt nâng lãi suất đột ngột lên 20% sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

Theo đài CNBC, sau khi đồng rúp rớt giá xuống mức thấp kỷ lục với 150 rúp đổi 1 USD vào ngày 7-3, các biện pháp kiểm soát vốn của CBR đã góp phần thúc đẩy đồng nội tệ tăng lên mức đỉnh 2 năm, có khi chạm mức 53 rúp đổi 1 USD vào ngày 24-5. CBR cho biết các rủi ro tài chính đã giảm đi phần nào và để ngỏ khả năng tiếp tục hạ lãi suất tại cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 10-6.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/linh-hoat-kim-lam-phat-20220526212835422.htm