Linh hoạt mô hình sinh kế, hỗ trợ người nghèo ở TP Hà Tĩnh

Một trong những giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 đang được TP Hà Tĩnh triển khai đó là xây dựng và nhân rộng một số mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp.

Tháng 11/2024, anh Lê Quang Lĩnh (TDP 2, phường Trần Phú) được trao tặng 1 máy tính thuộc mô hình hỗ trợ kinh doanh, vật tư phi nông nghiệp do Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND phường Trần Phú trao tặng. Hiện nay, anh Lĩnh đang tiếp cận công nghệ thông tin, học hỏi thêm các kỹ năng để sử dụng máy vi tính một cách thành thạo.

 Anh Lê Quang Lĩnh tiếp cận với công nghệ thông tin nhờ bộ máy vi tính do Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND phường Trần Phú trao tặng.

Anh Lê Quang Lĩnh tiếp cận với công nghệ thông tin nhờ bộ máy vi tính do Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND phường Trần Phú trao tặng.

Anh Lĩnh chia sẻ: “Bản thân tôi là người khuyết tật nên vận động khó khăn, ít có cơ hội phát triển kinh tế. Khi được nhận chiếc máy vi tính này, tôi có thể phát huy sở trường sẵn có của bản thân là đồ họa, thiết kế và tham gia các lớp học trên mạng để mở rộng kỹ năng về tin học, có thêm công việc nâng cao thu nhập trong thời gian tới”.

Còn chị Lô Thị Loan (TDP 4, phường Trần Phú) cũng đã dần làm quen được với chiếc máy may quần áo được hỗ trợ từ mô hình hỗ trợ kinh doanh, vật tư phi nông nghiệp do Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND phường Trần Phú trao tặng. Chị Loan cho biết: “Chiếc máy may hiện đại với nhiều tính năng cho phép điều chỉnh các thông số như tốc độ, độ dài mũi may, chế độ may... đường may đẹp hơn, chính xác hơn, được nhiều khách hàng đánh giá cao, vì thế thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều”.

 Chị Lô Thị Loan (TDP 4, phường Trần Phú) được sử dụng máy may hiện đại hơn nhờ chính sách hỗ trợ.

Chị Lô Thị Loan (TDP 4, phường Trần Phú) được sử dụng máy may hiện đại hơn nhờ chính sách hỗ trợ.

Được biết, phường Trần Phú là một trong những địa phương sớm triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại TP Hà Tĩnh. Dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương, khi nhiều ngành thương mại - dịch vụ phát triển, dân cư tập trung đông đúc, phường đã thực hiện mô hình hỗ trợ kinh doanh, vật tư phi nông nghiệp góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2024, phường Trần Phú có 9 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo, 42 người khuyết tật. Phường đang phấn đấu giảm thêm 2 hộ nghèo trong năm 2025.

Chị Lê Thị Hoạt - công chức VH-XH, phụ trách mảng chính sách phường Trần Phú cho biết: “Để các mô hình sinh kế thực sự phát huy hiệu quả, phường đã khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách, gia đình có người khuyết tật trên địa bàn. Sau khi thống nhất mô hình sinh kế phù hợp, địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân để sử dụng các thiết bị hiệu quả. Theo đó, phường đã tiến hành hỗ trợ máy vi tính, máy may, máy ép nước mía. Các thiết bị này đang được người dân tiếp cận sử dụng, hoạt động có hiệu quả”.

 Phường Trần Phú đã tiến hành hỗ trợ máy vi tính, máy may, máy ép nước mía.

Phường Trần Phú đã tiến hành hỗ trợ máy vi tính, máy may, máy ép nước mía.

Vào tháng 10/2024, UBND phường Nam Hà tổ chức trao máy ép nước mía, tạo sinh kế cho 5 hộ (2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo) trên địa bàn. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 1 máy ép nước mía trị giá 10,3 triệu đồng. Đây là mô hình sinh kế phi nông nghiệp đầu tiên được thực hiện trên địa bàn phường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đô thị.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (TDP 9, phường Nam Hà) là hộ cận nghèo, không có công việc ổn định. Bản thân chị còn mang trong mình căn bệnh nhược cơ nên hoạt động sinh hoạt hằng ngày gặp không ít khó khăn. Qua khảo sát thực tế tại khu vực sinh sống, tháng 10, chị Huyền được trao tặng 1 máy nước ép mía. Chị Huyền chia sẻ: “Đây là khu vực có nhiều người qua lại, nhiều trường học nên việc kinh doanh mặt hàng nước giải khát tương đối phù hợp với gia đình tôi. Tôi đã tích cực tham gia lớp tập huấn, học hỏi thêm kinh nghiệm kinh doanh để có thêm công việc nâng cao thu nhập”.

 Máy ép mía của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (phường Nam Hà).

Máy ép mía của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (phường Nam Hà).

Được biết, phần lớn các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại phường Nam Hà đều là hộ neo đơn, có diện tích đất sử dụng hạn chế nhưng lại nằm trong khu vực dân cư đông đúc, do vậy, việc áp dụng mô hình kinh doanh nước mía được xem là phù hợp nhất. Hiện nay, 5/5 hộ tiếp nhận mô hình máy ép nước mía đều đã nắm được cách hoạt động, bắt đầu làm quen với việc kinh doanh.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện các chương trình MTQG cấp xã đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án và các nội dung hoạt động của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kịp thời tham mưu giúp UBND thành phố và UBND cấp xã trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo theo kế hoạch.

 Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND phường Nam Hà trao mô hình sinh kế máy ép nước mía cho 5 hộ dân trên địa bàn.

Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND phường Nam Hà trao mô hình sinh kế máy ép nước mía cho 5 hộ dân trên địa bàn.

Theo đó, dựa trên điều kiện thực tế tại khu vực đô thị, hoạt động chăn nuôi, gieo trồng không phù hợp thì một trong những giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 đang được TP Hà Tĩnh triển khai đó là xây dựng và nhân rộng một số mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp. Toàn thành phố có 3 mô hình triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất phi nông nghiệp với tổng số hộ thụ hưởng là 20 hộ với vật tư được hỗ trợ như máy may, máy tính, máy ép nước mía, tủ đông,...

Bà Bùi Thị Liên – Chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh cho biết: "Cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; tích cực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu. Các mô hình sinh kế phi nông nghiệp đầu tiên được thực hiện trên địa bàn TP Hà Tĩnh được đánh giá là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đô thị và được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Các hộ cũng đã được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, bán hàng và hỗ trợ mặt bằng, nguồn vốn để phát triển kinh tế. Bằng các giải pháp linh hoạt, hằng trăm người nghèo trên địa bàn đã có cơ hội nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và thụ hưởng cơ chế chính sách của Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững trên địa bàn”.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/linh-hoat-mo-hinh-sinh-ke-ho-tro-nguoi-ngheo-o-tp-ha-tinh-post278821.html