Linh hoạt nâng chất dạy học liên môn

Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 tiếp tục triển khai đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10. Cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo đúng định hướng của ngành GD&ĐT, tạo mọi điều kiện để triển khai hiệu quả.

Đối với bậc THCS, cụ thể là lớp 7, một trong những điểm mới, nổi bật nhất trong chương trình là chủ trương tích hợp liên môn Lịch sử - Địa lý và tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Sinh học, Hóa học. Điều này đồng nghĩa một giáo viên phải nỗ lực dạy kiến thức của 2-3 môn học và đã có không ít khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các trường đã triển khai thực hiện tốt.

Giáo viên chủ động

Tiết học Lịch sử - Địa lý của lớp 7A2, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TX. Phước Long do cô Nguyễn Thị Hường đứng lớp. Cô Hường cho biết, sau 1 năm được phân công dạy Chương trình GDPT 2018 ở lớp 6 nên năm học này thuận lợi hơn. Cô chủ động được các phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng. Tiết học vì thế sôi nổi, hào hứng, có sự tương tác cao giữa giáo viên và học sinh, phát huy tối đa năng lực, giúp các em nhận thức sâu sắc kiến thức được học. Cô Hường chia sẻ: “Để bài giảng đến với học sinh nhanh nhất, các em tiếp thu kiến thức tốt nhất, giáo viên phải sáng tạo trong phương pháp dạy học. Hơn nữa, sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018, hệ thống hình ảnh rất phong phú, giáo viên phải giúp học sinh khai thác tốt nhất kiến thức từ hình ảnh”.

Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TX. Phước Long nỗ lực dạy tích hợp bộ môn Lịch sử - Địa lý - Ảnh: Như Nam

Để dạy học theo Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chủ động phân công giáo viên hợp lý, phù hợp với năng lực chuyên môn của từng người. Theo các giáo viên, so với chương trình hiện hành, Chương trình GDPT 2018 có một số điều chỉnh nhằm hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực cốt lõi cho học sinh. Thầy Phí Văn Cường, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Cùng với sự quan tâm của trường, các thầy cô giáo cũng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy, nhất là dạy các tổ hợp, liên môn. Đồng thời trau dồi kiến thức để học sinh lĩnh hội tốt nhất và hướng dẫn các em cách học tập, học tổ, nhóm sao cho hiệu quả”.

Chung sức gỡ khó

Tại Trường THCS An Lộc, TX. Bình Long, Chương trình GDPT 2018 cũng được thực hiện linh hoạt. Xác định đây là chương trình giáo dục chú trọng đến phẩm chất, năng lực của người học, trường đã có sự tính toán khoa học. Ở khối lớp 7, ngoài những giáo viên được đào tạo và đã phân công dạy liên môn Lịch sử - Địa lý và tổ hợp khoa học tự nhiên, trường cũng bố trí một số giáo viên khác tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức dạy liên môn, tạo điều kiện để các tổ bộ môn chủ động trao đổi chuyên môn và hỗ trợ nhau trong quá trình giảng dạy. Cô Đồng Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường THCS An Lộc cho biết: “Để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới cần nhiều yếu tố, trong đó giáo viên được xác định đóng vai trò quan trọng nhất. Ngoài việc nhà trường sắp xếp hợp lý thì sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo là rất quan trọng, nhất là trong việc dạy các môn tích hợp”.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo của các trường, sự nỗ lực của giáo viên và học sinh trong quá trình thực hiện đã đảm bảo chất lượng dạy và học - Ảnh: Như Nam

Từ thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 6 trước đó là tiền đề để các trường chủ động, linh hoạt trong năm học này. Các trường đã sắp xếp, tổ chức đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày theo quy định; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm phát triển năng lực của học sinh; ưu tiên phân công giáo viên được đào tạo liên môn đảm trách dạy tổ hợp khoa học tự nhiên và liên môn Lịch sử - Địa lý. Thầy Lê Duy Thái, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ: “Trong các tổ hợp Lịch sử - Địa lý và khoa học tự nhiên, nhà trường xếp thời khóa biểu linh động. Nếu trước đây chỉ cần xây dựng một thời khóa biểu cho cả năm học thì nay mỗi tháng thay đổi một lần để thầy cô giáo thực hiện đạt theo mục tiêu đề ra”.

“Xác định việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi đi kèm với các điều kiện như: cơ sở vật chất,đội ngũ giáo viên, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa... do đó, ngành GD&ĐT đã xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết theo lộ trình cụ thể. Thời gian tới, Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cũng như tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định tại Chương trình GDPT 2018”.

Ông HỒ HẢI THẠCH, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định việc đổi mới giáo dục, áp dụng Chương trình GDPT 2018. Nếu năm học 2021-2022, nhiều trường còn lúng túng trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên giảng dạy thì năm học này đã từng bước được khắc phục. Các thầy cô giáo được phân công dạy Chương trình GDPT 2018 cũng đang nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt các bộ môn trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/139463/linh-hoat-nang-chat-day-hoc-lien-mon