Linh hoạt, sáng tạo trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ảnh hưởng mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tác động không nhỏ tới công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, bảo đảm 'mục tiêu kép', vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa bảo đảm đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ảnh hưởng mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tác động không nhỏ tới công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, bảo đảm "mục tiêu kép", vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa bảo đảm đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Nỗ lực phát triển người tham gia BHXH
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như thiên tai, lũ lụt tại miền trung, Tây Nguyên nhưng nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Ðáng chú ý, trong công tác mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, số người tham gia đạt 1,128 triệu người (tăng 554 nghìn người, gấp hai lần so với năm 2019), đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Ðây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực mà ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai thời gian qua, góp phần phát triển thêm nhiều người dân được tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước, được chăm lo cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi về già không còn khả năng lao động.
Sang năm 2021, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngay từ đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 4-2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người (giảm nhẹ so với hết năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn tăng 527 nghìn người so cùng kỳ năm 2020). Một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, như: Nghệ An (tăng 9.499 người so năm 2020 và tăng 34.471 người so cùng kỳ năm trước), Thái Bình (tăng 4.547 người so năm 2020 và tăng 16.623 người so cùng kỳ năm trước), Phú Thọ (tăng 3.679 người so năm 2020 và tăng 17.575 người so cùng kỳ năm trước), Thanh Hóa (tăng 2.655 người so năm 2020 và tăng 30.676 người so cùng kỳ năm trước), Quảng Nam (tăng 1.861 người so năm 2020 và tăng 12.922 người so cùng kỳ năm trước)…
Là một trong những địa phương đạt kết quả tốt trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, Giám đốc BHXH huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) Phan Văn Rí cho biết: Trong tháng 4-2021, BHXH huyện đã phát triển mới được 819 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người đang tham gia trên địa bàn trong bốn tháng đầu năm lên 3.519 người, đạt và vượt hơn 3% so với kế hoạch của cả năm 2021 về số người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Giám đốc Phan Văn Rí, một trong những cách làm đạt hiệu quả của BHXH huyện là phối hợp chặt chẽ chính quyền cấp huyện, cấp xã, bám sát người dân để vận động, tuyên truyền, đồng thời yêu cầu đội ngũ đại lý thu quản lý và vận động người dân tham gia liên tục. Hiện U Minh đang vào mùa khô, thời tiết tốt, người dân trên địa bàn đang có nguồn thu nhập mùa vụ ổn định, cho nên công tác vận động tham gia BHXH tự nguyện có nhiều thuận lợi. Dù vậy, BHXH huyện luôn hết sức chủ động, thường xuyên làm việc trực tiếp với chính quyền các xã, huy động sự tham gia của bí thư chi bộ từng thôn; giám sát, kiểm tra hoạt động của các đại lý một cách thường xuyên… để ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn được tiếp cận, tham gia chính sách an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước.
Từ thực tế công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của BHXH huyện U Minh cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hiệu quả công tác này. Ðây cũng là minh chứng rõ nét của việc đưa nhiệm vụ, giải pháp "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội" theo tinh thần Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống; nhiệm vụ, giải pháp này là điều kiện tiên quyết trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tại các địa phương.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp
Tháng 5-2021 là năm thứ hai triển khai tổ chức thực hiện "Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân" theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Việc tổ chức "Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân" nhằm tạo điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH; thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, nhất là chính sách BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.
"Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân" năm 2021 được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông với chủ đề "BHXH cho tất cả mọi người lao động", gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, trong đó nhấn mạnh quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, qua đó, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa như: "Hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững"; "Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai"; "BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống"; "Lương hưu và BHYT - Chỗ dựa tài chính lúc tuổi già"; "Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình";… hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.
Tại hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế tháng 5-2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phối hợp cơ quan bưu điện cần linh hoạt, vận dụng các biện pháp sáng tạo ngay từ cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phát triển người tham gia. Tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận định vai trò công tác truyền thông là tiên quyết, vì vậy, BHXH các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản truyền thông cho từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả.
Ðồng thời, thực hiện kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Văn bản số 2602/UBVÐXH14 ngày 18-3-2020 về giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Theo đó, BHXH Việt Nam gửi Công văn số 1180/BHXH-TST đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục báo cáo, trình Chính phủ sửa Nghị định số 134/2015/NÐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, theo hướng tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo mức đề xuất nêu trên.