Linh hoạt tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế liên tục xảy ra trong thời gian qua, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước tình trạng này, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành chức năng vừa ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ.

Tiền có mà khó tiêu

Hàng ngày, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận từ 5.000-5.500 lượt người bệnh khám, điều trị ngoại trú nên nhu cầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác chuyên môn rất lớn. Tuy nhiên, một thời gian trước đó, BV cũng rơi vào cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế do vướng mắc thủ tục.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Bộ Y tế có các cơ chế tháo gỡ, BV Chợ Rẫy đã thực hiện được một số gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, thuốc men.

Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, mặc dù đã được “nới” về chính sách nhưng thực tế công tác đấu thầu vật tư, thiết bị y tế còn rất khó, vướng đủ quy định, quy trình dẫn đến “tiền có mà khó tiêu”. Điều đáng lo ngại là đến tháng 1-2024, Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có hiệu lực, nên nếu không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thì các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM thăm khám cho người bệnh

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM thăm khám cho người bệnh

“Nguy cơ dịp Tết Nguyên đán này tiếp tục rơi vào tình cảnh thiếu thuốc, vật tư và thiết bị y tế là rất đáng lo ngại”, TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hiện Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, nhất là với thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, phân cấp toàn diện việc phê duyệt, thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ và cơ chế của Bộ Y tế, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, mới đây, đơn vị đã thực hiện được gói thầu mua sắm 4 máy cộng hưởng từ, 2 máy CT, 2 hệ thống nội soi đường tiêu hóa.

Chia sẻ về kinh nghiệm mua sắm, đấu thầu, PGS-TS Đào Xuân Cơ khẳng định, yếu tố hàng đầu là đoàn kết, thống nhất, tập trung của tập thể, đặc biệt kiện toàn ban phòng chống tham nhũng; tăng cường giáo dục công tác phòng chống tham nhũng đến cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm, để có thể tự tin mua sắm. “Nếu phát hiện các doanh nghiệp mua chuộc cán bộ, sẽ dừng hợp đồng, báo các cơ quan chức năng hỗ trợ BV về vấn đề tư pháp”, PGS-TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Còn theo bác sĩ Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, BV đã lập hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia, cùng với đó là các hội đồng nhỏ như: hội đồng mua sắm thuốc; hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; hội đồng mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế. Sau đó, BV triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các hội đồng.

Đẩy mạnh sản xuất thuốc thiết yếu tại Công ty Dược phẩm Hà Tây, TP Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đẩy mạnh sản xuất thuốc thiết yếu tại Công ty Dược phẩm Hà Tây, TP Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Không chỉ có BV tuyến trung ương mà với nhiều BV tuyến tỉnh cũng đã giải quyết được “bài toán” thiếu thuốc, vật tư y tế. Bác sĩ Diêm Sơn, Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Yên Bái, cho rằng, khi thiếu thuốc cục bộ, các địa phương không nên đặt nặng vấn đề “bệnh nhân của tôi, bệnh nhân của tỉnh anh” mà cần phải có sự liên kết, hỗ trợ để người bệnh không phải điều trị quá xa nhà, không phải chuyển lên tuyến trên gây quá tải không đáng có.

Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị và vật tư tiêu hao nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm, gây thiệt hại cho nhà nước. Đồng thời, yêu cầu giám đốc các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác đấu thầu tại đơn vị, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có 65.000 loại trang thiết bị y tế có đủ điều kiện nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam để cung cấp, giải quyết được cơ bản nhu cầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế. Từ tháng 9-2022 tới nay, đơn vị đã xử lý được gần 8.000 hồ sơ về cấp phép, thẩm định trang thiết bị y tế (gấp gần 40 lần so với số hồ sơ xử lý trong 8 tháng đầu năm 2022).

MINH KHANG - MINH NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/linh-hoat-thao-go-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-post713171.html