Linh hoạt thực hiện 'mục tiêu kép', duy trì đà tăng trưởng
Bước vào năm 2021, tỉnh Hòa Bình cùng chung bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động nặng nề dịch Covid-19 đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, với quyết tâm chính trị cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH theo sự chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện linh hoạt, hiệu quả 'mục tiêu kép' vừa phòng, chống dịch (PCD) bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong tình hình mới.
Your browser does not support the audio element.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ JAENEUNG (phường Thống Nhất - TP Hòa Bình) phát triển thêm ngành may để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa Chương trình hành động, Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và các đề án trên từng lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 130/CTr-UBND, ngày 4/9/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh rốt ráo chỉ đạo triển khai lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình; quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó làm "chìa khóa” để phát triển, nhất là trong công tác thu hút đầu tư vào tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc giải quyết các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án đầu tư vốn ngoài NSNN chậm tiến độ kéo dài…
Đặc biệt, để vừa PCD Covid-19, giữ địa bàn an toàn và phục hồi, phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào "Thi đua thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH năm 2021”. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, HTX… đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế, hình thức đa dạng, nội dung phong phú, đảm bảo thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Phong trào đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia, mang lại hiệu ứng tích cực, cùng đồng lòng vượt khó để phát triển.
Tìm hiểu thực tế được biết, để phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới, cùng với tăng cường các biện pháp PCD, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt trong việc nắm bắt thông tin, thị trường, mở rộng hoạt động ra các lĩnh vực khác để thích ứng. Công ty TNHH thương mại dịch vụ JAENEUNG trên địa bàn phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) là một ví dụ. Ông Nguyễn Trọng Hiển, Trưởng phòng tổ chức công ty cho biết: Trước đây, công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện tử nhưng do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đã gây ra nhiều trở ngại trong hoạt động SX-KD. Nhiều tháng nay, nguồn nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng; hàng hóa xuất khẩu khó khăn do việc hạn chế đi lại; đơn hàng của đối tác nước ngoài giảm nên công ty đã mở rộng sản xuất, phát triển thêm ngành may mặc để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Có thể nói, với tinh thần vượt khó và sự năng động, linh hoạt để thích ứng với tình hình mới đã giúp KT-XH của tỉnh trong 9 tháng qua đạt được những kết quả quan trọng, được minh chứng bằng các con số: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,91%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,15%; dịch vụ tăng 5,06%; thuế sản phẩm tăng 10,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt gần 11.825 tỷ đồng, tăng 5,43% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 37.256,3 tỷ đồng, tăng 26,23% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 32.777 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 3.136,9 tỷ đồng, bằng 72% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 62% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 30% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đánh giá, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Một số hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường bị gián đoạn. Kim ngạch xuất khẩu chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án thực hiện bán đấu giá đất, giao đất có thu tiền, các dự án thuê đất còn chậm. Giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ theo yêu cầu...
Vừa qua, tại cuộc họp UBND tỉnh đánh giá tình hình KT-XH 9 tháng năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm nhưng một số chỉ tiêu đạt được còn hạn chế. Nếu mỗi cấp, mỗi ngành không nỗ lực ở mức cao nhất thì dự báo sẽ có những chỉ tiêu khó đạt. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, hiện có một số dự án đã được nhà đầu tư triển khai tích cự. Do vậy, các sở, ngành chức năng và địa phương xem xét dự án nào đủ điều kiện thì sớm cho khởi công, bởi chúng ta tăng trưởng theo vốn đầu tư. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp đồng bộ để giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ sang dự án thực hiện giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng vốn NSNN để sớm giải ngân theo kế hoạch, vì giải ngân kế hoạch đầu tư công có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng…