Linh hoạt trong bão giá

Thay đổi thói quen tiêu dùng là cách nhiều người Việt trên khắp thế giới áp dụng trước cảnh giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng cao

Chị Trang Trần, sống và làm việc tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho biết giá cả thực phẩm đắt đỏ hơn, giá nhà thuê tăng nhưng thu nhập không thay đổi, đặc biệt là ở khu vực Dubai.

Thu nhập không theo kịp

Chị Trang chia sẻ: "Mức lương cơ bản của lao động phổ thông 10 năm trước và hiện nay không chênh lệch nhiều, ví dụ lương cơ bản ngày trước là 1.000 AED (khoảng 6,4 triệu đồng) thì nay khoảng 1.300 - 1.500 AED (khoảng 8,3 - 9,6 triệu đồng)".

Trước đây, chính phủ chăm lo cho người bản xứ nhiều, kể cả người bản xứ thất nghiệp vẫn có tiền phụ cấp hằng tháng. Thậm chí, người địa phương còn được tặng nhà nếu kết hôn và lương cơ bản cũng thường cao hơn người nước ngoài làm việc tại đây.

Giờ đây, tình hình kinh tế khó khăn, người dân địa phương phải đi làm, bất kể công việc là gì, thì mới được nhận trợ cấp. Do vậy, chị Trang nhận thấy các siêu thị bắt đầu có nhiều nhân viên thu ngân cũng như nhân viên sắp xếp hàng hóa hơn trước.

Trong thời điểm lạm phát cao, cũng giống nhiều hộ gia đình người Việt và người bản xứ khác, gia đình chị Trang cắt giảm chi tiêu và lựa chọn những thực phẩm có giá thành phù hợp hơn.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở TP Austin, bang Texas - Mỹ hôm 22-6 Ảnh: MINH NGÔ

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở TP Austin, bang Texas - Mỹ hôm 22-6 Ảnh: MINH NGÔ

Trong khi đó tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 vừa qua ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhỏ nhất trong hơn 2 năm qua, cho thấy tình hình lạm phát tại Mỹ đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh cách đây gần 1 năm.

Tuy lạm phát tiếp tục xu hướng hạ nhiệt nhưng chỉ số CPI lõi, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo điều này chứng tỏ áp lực giá cả vẫn còn đáng kể đối với người dân.

Ảnh hưởng của áp lực này, theo anh Minh Ngô, đã thể hiện ở chỗ hầu hết mặt hàng tại nơi anh sinh sống - TP Austin, bang Texas - đều tăng giá, nhất là giá gas và đồ tiêu dùng, tăng khoảng 10% trở lên. Giá gas ở TP Austin đang khoảng 3,29 USD/gallon, thay vì tầm 2,49 - 2,79 USD/gallon trước đó.

Lạm phát cao khiến người dân cắt giảm chi tiêu. Anh Minh Ngô cho biết dễ thấy tác động nhất là ở ngành làm móng (nail), khách không những ít hơn mà kiểu dáng họ chọn cũng bớt cầu kỳ. Hệ quả là thu nhập ngành dịch vụ có đông người gốc Việt tham gia này giảm, kéo theo lượng kiều hối gửi về Việt Nam giảm. Song song đó, lượng hàng gửi về để buôn bán hoặc cho/tặng cũng giảm.

Giảm chi phí cho thực phẩm

Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không đưa ra dự báo lạm phát mới nhưng cảnh báo lạm phát đang vượt quá các dự đoán ban đầu. Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2023 nhờ sự mở rộng vốn và nhu cầu nội địa vững chắc.

Tuy nhiên, CPI lõi tháng 4 đạt 3,4% trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng, làm dấy lên hoài nghi về việc lạm phát sẽ quay trở lại dưới mức 2% vào nửa cuối năm tài chính hiện tại, kết thúc vào tháng 3-2024.

Nhận thấy bất ổn kinh tế ảnh hưởng rõ đến thói quen tiêu dùng, anh Nguyễn Đạt (làm việc tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản) kể người dân nhìn chung đều cắt giảm chi tiêu, giảm mua quần áo hoặc đồ xa xỉ.

"Các siêu thị cũng có một số thay đổi, lúc trước phải đến 21 giờ mới giảm giá cho những thực phẩm sử dụng trong ngày nhưng giờ đây đã được điều chỉnh sớm hơn là 19 giờ. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày càng cân nhắc kỹ lưỡng và thắt chặt chi tiêu. Chẳng hạn, giá các loại thịt bò cao cấp đã giảm nhiều nhưng họ vẫn hạn chế mua" - anh Đạt nói.

Trong nỗ lực phục hồi kinh tế và hỗ trợ người dân, theo lời anh Đạt, chính phủ Nhật Bản liên tục triển khai các gói kích cầu kinh tế, như giảm giá vé máy bay, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại Canada, người dân cũng ít nhiều chứng kiến tác động của lạm phát. Hiện sinh sống và làm việc ở TP Toronto, anh Lại Minh Huy cho hay mức lạm phát ở đây khoảng 4,5%.

Chính phủ đã tăng lương tối thiểu từ 15,50 lên 16,50 CAD/giờ làm việc để bù lại mức lạm phát. Giá cả hàng hóa, điện, nước, thực phẩm đều tăng chút ít. Đối với cá nhân anh Huy, dù chính phủ đã tăng lương tối thiểu nhưng cũng không đủ bù cho mức tăng lạm phát.

Anh Huy kể: "Tôi chỉ mua nhu yếu phẩm mỗi tuần, thắt lưng buộc bụng, đi siêu thị mua hàng hóa số lượng nhiều để tiết kiệm hơn". Quan sát cộng đồng người Việt ở khu vực, anh Huy nói bạn bè anh đa số đều bị ảnh hưởng và tập thói quen tiêu dùng tiết kiệm hơn so với trước.

Học cách quản lý chi tiêu

"Tình hình chung rồi, không ai không bị ảnh hưởng đâu" - chị Mai Uyên trả lời khi được hỏi về giá cả sinh hoạt leo thang tại TP Melbourne nơi chị sinh sống nói riêng và nước Úc nói chung.

Theo chị, việc này đã xảy ra từ lâu, hàng hóa thứ gì cũng tăng giá, không ít thì nhiều. Tương tự là lãi suất ngân hàng. Chị kể: "Cứ vài tháng lại thấy chính phủ họp, rồi lại tăng".

Với chị Kenzie Trần, khu vực gia đình chị đang cư ngụ - ở TP Bradenton, bang Florida - Mỹ - đã bình ổn giá trở lại. "Hồi cuối năm ngoái thì thấy ghê thật. Giá vỉ trứng 18 quả từ 3,87 USD lên 7,99 USD" - chị Kenzie nhớ lại.

Trong khoảng 2 tháng đó, giá thức ăn và gas cao hơn so với bình thường nhưng may mắn tỉ lệ thu nhập của gia đình chị không bị ảnh hưởng nhiều. Nhu yếu phẩm cho gia đình, chi phí cho 3 đứa con không bị cắt giảm, chỉ có tiền tiết kiệm mỗi tháng "teo" một ít - theo lời chị Kenzie.

Để trụ được trong bão giá như vậy, theo chị, là nhờ "biết vun vén, có 10 xài 3-4 thôi và nhà có 2 người đi làm" - điều thường thấy ở đa phần gia đình gốc Á, bao gồm cộng đồng người Việt.

Qua quan sát riêng, chị Kenzie cho biết có sự khác biệt trong chi tiêu của cộng đồng gốc Á và cư dân bản xứ. "Nước Mỹ mạnh vì chịu và dạn tay chi tiêu. Sau đại dịch COVID-19, khi người dân chi tiêu là kinh tế hồi phục nhưng bù lại, nợ tín dụng bình quân đầu người cao. Nhiều người trẻ ở Mỹ gần như không biết quản lý tài chính và ngân sách cá nhân" - chị nhận xét.

Hải Ngọc

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/linh-hoat-trong-bao-gia-20230623212958752.htm