Linh hoạt và hiệu quả nhờ tích hợp AI vào quy trình lập pháp
Nghị viện Italy đã phát triển các công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình lập pháp cũng như hoạt động của nghị viện. Những đổi mới cho thấy sự kết hợp công nghệ có thể hỗ trợ các phương pháp làm việc hiệu quả hơn và giúp quy trình lập pháp trở nên linh hoạt hơn.
Hạ viện: thúc đẩy những phiên họp trên ứng dụng số
Vào năm 2016, Hạ viện đã giới thiệu ứng dụng Geo-Camera, một loại “hồ sơ tài liệu kỹ thuật số” dành cho các thành viên, như một cách để giảm thiểu quy trình xử lý giấy tờ và cung cấp khả năng truy cập vào các tài liệu từ điện thoại thông minh và máy tính bảng, cả trong và ngoài khuôn viên nghị viện.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, khi các phiên họp trực tiếp tại Hạ viện bị hạn chế do yêu cầu giãn cách xã hội, các mô-đun mới đã được thêm vào ứng dụng để hỗ trợ vận hành thủ tục của Hạ viện một cách trực tuyến: chẳng hạn như việc gửi đi câu hỏi chất vấn, đưa ra những kiến nghị và sửa đổi đối với các dự luật đang được xem xét….
Ủy ban Thủ tục, theo đề xuất của Chủ tịch Hạ viện, đã khuyến khích cả các nghị sĩ và trợ lý của họ sử dụng ứng dụng này để gửi tài liệu, kiến nghị, đề xuất. Chủ tịch Hạ viện đã thông báo quyết định này tới các nghị sĩ qua ứng dụng của Hạ viện.
Ví dụ điển hình cho những bước tiến trong tiến trình số hóa tại Hạ viện là phiên họp ngân sách thường niên gần đây, được tổ chức từ ngày 6 - 24.12.2022, đã được tiến hành bằng các công cụ kỹ thuật số. Các thành viên Hạ viện đã gửi tổng cộng 3.104 sửa đổi chính và 375 sửa đổi phụ thông qua ứng dụng Geo-Camera. Toàn bộ thông tin sửa đổi xuất hiện theo thời gian thực trên bảng điều khiển của các ủy ban liên quan phụ trách dự luật. Sau đó nhân viên ủy ban biên soạn và xuất bản hồ sơ sửa đổi kỹ thuật số. Các nghị sĩ cũng có thể đồng ý hoặc phản đối bằng công cụ kỹ thuật số đối với các kiến nghị sửa đổi không được chấp thuận. Mọi lý do không chấp thuận cũng được ghi rõ trong từng khoản mục sửa đổi. Trong giai đoạn xem xét dự luật trong các cuộc họp ủy ban hỗn hợp, các thành viên có mặt trực tiếp hoặc tham gia họp trực tuyến đều có thể sử dụng ứng dụng để đọc văn bản hiện tại đang được kiểm tra từ thiết bị cá nhân của họ trong thời gian thực.
Hiện tại mặc dù các hoạt động của nghị viện đã trở lại bình thường sau đại dịch, nhưng tất cả các chức năng được mô tả, bao gồm cả các cuộc họp trực tuyến và quy trình sửa đổi kỹ thuật số, vẫn khả dụng. Ứng dụng Geo-Camera sẽ được mở rộng để bao gồm mô-đun về các dự luật đang được thẩm tra trong các phiên họp toàn thể.
Thượng viện: AI hỗ trợ đắc lực cho quá trình sửa đổi luật
Tại Thượng viện, không phải lúc nào những sửa đổi mà các thượng nghị sĩ đưa ra cũng nhằm mục đích thay đổi dự luật được đề xuất. Trong rất nhiều trường hợp, các thành viên - đặc biệt là những thành viên thuộc đảng đối lập - thường đưa ra những đề xuất sửa đổi như một cách để quảng bá cho những lựa chọn chính sách thay thế hoặc như một cách thách thức phe cầm quyền. Trong những trường hợp ứng xử cực đoan, họ có thể đưa ra một số lượng lớn các sửa đổi, nhưng phần lớn với nội dung không quá khác biệt mà khác nhau vài từ hoặc cách diễn đạt. Điều này không mang lại những tác dụng thực sự đối với dự luật mà chỉ nhằm làm chậm quá trình lập; và có thể trở thành một thách thức đối với các nhân viên Thượng viện chịu trách nhiệm phân tích, phân loại những điểm sửa đổi cũng như lên lịch biểu quyết.
Để hỗ trợ quá trình này, bộ phận công nghệ thông tin của Thượng viện đã phát triển nhiều công cụ tự động hóa và quản lý tài liệu khác nhau cho nhân viên Thượng viện và mới đây, họ đã phát triển một hệ thống mới được hỗ trợ bởi AI để quản lý các sửa đổi. Hệ thống này sử dụng “thuật toán phân cụm văn bản”, giúp phát hiện nhanh chóng và đồng bộ tất cả các nhóm sửa đổi có từ ngữ tương tự.
Tính năng thử nghiệm này đã cho thấy hiệu quả vượt xa dự liệu. Theo ông Carlo Marchetti, Trưởng Văn phòng Phát triển Hệ thống Thông tin của Thượng viện, việc xử lý các đề xuất sửa đổi dự luật tại Thượng viện đã trở nên nhanh hơn rất nhiều bởi sự hỗ trợ của AI đã khiến việc phát hiện các điểm sửa đổi chỉ bằng một cái nhấp chuột. Tất nhiên vẫn cần đến con người tham gia vào các “khâu” xem xét, phê duyệt, sửa đổi và tích hợp kết quả của hệ thống. Mọi quyết định cuối cùng được đưa ra vẫn là quyết định của con người. Theo nghĩa này, công nghệ AI tồn tại để hỗ trợ con người chứ không phải để thay thế họ.
Hệ thống phân cụm văn bản tích hợp trí tuệ nhân tạo được phát triển với sự cộng tác của Viện Tin học pháp lý và tư pháp, thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy (CNR). Đây cũng là một phần của nghiên cứu sâu hơn về các công cụ và thuật toán mới nhằm hỗ trợ các hoạt động cơ bản của Hạ viện, Thượng viện, trong đó có hoạt động lập pháp. Viện này cũng đang tìm cách nâng cấp tính năng trên để các thuật toán có thể phát hiện không chỉ những điểm tương đồng về mặt văn bản mà còn về ngữ nghĩa, cũng như xác định các dự luật liên quan có thể bị ảnh hưởng tương tự bởi các sửa đổi.
Với những đổi mới và sự linh hoạt bổ sung mà chúng mang lại, Nghị viện Italy đang nắm bắt và phát huy lợi ích của một cơ quan lập pháp hiện đại, cho thấy các công nghệ kết hợp có thể hỗ trợ các phương pháp làm việc hiệu quả hơn như thế nào và giúp các quy trình lập pháp trở nên linh hoạt hơn như thế nào.