Linh hoạt và tinh gọn để sinh tồn trong đại dịch
Lời khuyên của Giám đốc quỹ 500 Startups Việt Nam là các startup cần phải bình tĩnh và có nhìn nhận đúng đắn về tình hình chung. Đặc biệt là việc chuẩn bị tinh thần đưa ra những quyết định khó khăn một cách dứt khoát.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 sẽ là một phép thử với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nói chung, các startup đang có ý định kêu gọi vốn nói riêng.
Ông Eddie Thái, Giám đốc quỹ 500 Startups Việt Nam nhận định: "Tôi hi vọng các nhà sáng lập đều nhận ra startup của mình cần thay đổi và thích nghi. Giờ là lúc cần phải tinh gọn và linh hoạt hóa để có thể sống sót trước mắt và phát triển dài hạn".
Lời khuyên của nhà đầu tư này là các startup cần phải bình tĩnh và có nhìn nhận đúng đắn về tình hình chung, về doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, startup cũng phải chuẩn bị tinh thần đưa ra những quyết định khó khăn một cách dứt khoát. Và dù thế nào, thì sự thẳng thắn và rõ ràng là những ưu tiên hàng đầu.
Sống sót trong 18 tháng
Theo Giám đốc quỹ 500 Startups Việt Nam,không ai biết được tình hình đại dịch sẽ kéo dài đến bao giờ (có người dự đoán tháng 6, người lại dự đoán phải mất một năm nữa), nên các startup sẽ phải chuẩn bị phương án trong trường hợp xấu nhất. Do đó, việc lên phương án để sống sót trong 18 tháng tiếp theo là rất quan trọng.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Eddie Thái cho rằng, startup chỉ nên tính đúng số tiền có trong tài khoản thay vì tính cả những khoản phải thu. Startup cần phải giả định rằng mình sẽ không thể thu về 100% những khoản phải thu.
Nếu còn những khoản như vậy, hãy tập trung tuyệt đối vào việc thu những khoản đó về. Nếu có nhà đầu tư nào chưa giải ngân hết, hãy làm việc với họ ngay. Kể cả khi họ không có tiền, thà biết ngay từ bây giờ thay vì chờ đến khi startup đã cạn tiền.
Bên cạnh đó, startup cần nhìn vào tập khách hàng của mình và nghĩ thật kĩ xem ai sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Dù đó là ai đi chăng nữa, hãy tính xem doanh thu dự kiến của startup sẽ giảm bao nhiêu, rồi nhân đôi con số cần giảm lên để đề phòng một số trường hợp như bỏ sót khách hàng nào đó hay thời gian chốt sales sẽ kéo dài hơn trước đây.
Sau đó, lấy số tiền trong tài khoản cộng với doanh thu dự tính, rồi chia cho 18 để ra ngân sách tối đa hàng tháng cho mọi chi phí của công ty trong 18 tháng tới.
Bước tiếp theo là cắt giảm chi tiêu
Vị chuyên gia cho rằng, đây là một việc cực khó khăn và đau đớn, nhưng càng mạnh tay và làm càng sớm bao nhiêu thì cơ hội sống sót cho startup càng cao bấy nhiêu, đồng thời sẽ tránh được đau đớn sau này.
Các hạng mục chi phí cần rà soát bao gồm: chi phí nhân sự, sales & marketing, chi phí mở rộng sản phẩm/thị trường, chi phí thuê văn phòng...
Nhìn vào lợi nhuận cận biên
Khi tình hình thuận lợi, các startup chỉ cần nghĩ tới việc tăng doanh thu mà không quan tâm đến chi phí, và các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư.
Nhưng khi các nhà đầu tư đang hoảng loạn và startup vẫn phải tìm đường sống, thì cần phải tập trung vào lợi nhuận cận biên. Nói cách khác, các startup cần phải kiếm đủ doanh thu để ít nhất là trang trải đươc các chi phí liên quan tới việc mang doanh thu về và phục vụ cho các doanh thu đó.
"Hãy tập trung vào những biện pháp duy trì lợi nhuận cận biên cao nhất có thể. Với nhiều startup, một trong những việc họ có thể làm là giữ chân những khách hàng sẵn có. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh hiện tại khi mà các khách hàng tiềm năng đang bị phân tâm hoặc dè chừng với các sản phẩm và dịch vụ mới", ông Eddie Thái chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào startup cũng chỉ nghĩ về doanh thu, lợi nhuận cận biên hay lợi nhuận. Trong những lúc khó khăn như hiện nay, đối xử với khách hàng một cách nhân văn vừa có thể giúp đỡ khách hàng và đồng thời cũng làm gia tăng lòng trung thành của họ và mang lại lợi ích dài hạn cho công ty.
Có nên gọi vốn?
Giám đốc quỹ 500 Startups Việt Nam nhận định, các nhà đầu tư đều đang cảnh giác cao độ. Họ sẽ hoàn thành nốt các thương vụ gần xong, nhưng đồng thời cũng cảnh giác đề phòng những diễn biến sắp tới và phải tìm cách sống sót giống như startup vậy. Do đó, chiến lược của các quỹ đầu tư là bảo tồn nguồn vốn.
"Bản năng của họ sẽ là "thu quân" về để hỗ trợ cho các startup trong danh mục đầu tư hiện tại. Nếu startup nhận được những hỗ trợ như vậy từ các nhà đầu tư hiện tại thì rất tốt", ông Eddie Thái nói.
Vị chuyên gia cho rằng, các startup không nên gọi vốn ở thời điểm này mà cần chú tâm vào việc điều hành, trừ khi startup đang chuẩn bị hoàn thành một vòng gọi vốn hoặc đang gặp vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền.
Bên cạnh đó, startup cần dành thời gian để củng cố lại mình và chuẩn bị thật tốt cho những vòng gọi vốn sau. Xem xét lại chiến lược, cải thiện sản phẩm, lập danh sách những nhà đầu tư tiềm năng đều là những việc nên làm.
"Không có lời khuyên nào là hoàn hảo cho tất cả startup. Tôi cũng không có khả năng hơn người trong việc dự đoán tương lai. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đó, tôi có thể khẳng định rằng, giữa thời thế hỗn loạn và bất định, những startup tinh gọn và linh hoạt sẽ là những startup có thể vượt qua khó khăn và phát triển", Giám đốc quỹ 500 Startups Việt Nam khẳng định.