Linh kiện máy bay Airbus, xe Tesla… có giúp công nghiệp phụ trợ Việt Nam trỗi dậy?

Trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế thì những thông tin cửa thoát hiểm máy bay Airbus, linh kiện ô tô điện Tesla hay linh kiện động cơ xe sang… xuất khẩu nhiều thị trường được sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của nhiều người.

(KTSG Online) – Trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế thì những thông tin cửa thoát hiểm máy bay Airbus, linh kiện ô tô điện Tesla hay linh kiện động cơ xe sang… xuất khẩu nhiều thị trường được sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Tuy nhiên, những sản phẩm linh kiện ấy chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất. Doanh nghiệp thuần Việt chưa tham gia, hay chỉ dừng lại ở nhà cung cấp cấp 2, cấp 3… Con đường trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp có giá trị cao với doanh nghiệp Việt còn chông gai và cần nỗ lực hơn nữa.

Bosch là một trong những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Bosch là một trong những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Chuỗi cung ứng máy bay đang hình thành nhưng…

Truyền thông trong nước mới đây đồng loạt đưa tin chuỗi cung ứng hàng không của Việt Nam vừa có một bước tiến đột phá với dự án sản xuất cửa thoát hiểm trên cánh cho máy bay Airbus đã thu hút nhiều người quan tâm.

Dự án sản xuất cửa thoát hiểm áp dụng cho A321neo – dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất thế giới, sẽ sớm được bàn giao và chuyển đến các nhà máy của Airbus tại Đức để lắp ráp lên thân máy bay.

Đọc được thông tin, nhiều người phần nào cảm thấy vui về sự phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước mà lâu nay các tập đoàn sản xuất nước ngoài than phiền là yếu kém.

Tuy nhiên, dự án sản xuất cửa thoát hiểm này không phải do doanh nghiệp trong nước thực hiện mà là của Công ty MHI Việt Nam, một công ty con của Tập đoàn Công Nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) Nhật Bản, đầu tư sản xuất tại Hà Nội.

Trên thực tế, MHI Việt Nam không phải là doanh nghiệp duy nhất sản xuất linh kiện máy bay ở Việt Nam, mà một số doanh nghiệp khác đã và đang tham gia sản xuất.

Sớm nhất phải kể đến Meggitt Việt Nam chuyên sản xuất các loại biến áp, thiết bị điều khiển cho ngành hàng không tại Đồng Nai. Nhưng, Meggitt Việt Nam cũng do nhà đầu tư Anh thực hiện hơn 25 năm nay. Sau Meggitt, Việt Nam thu hút thêm các nhà cung ứng ngoại khác vào sản xuất trên đà trở thành điểm cung ứng mới cho các nhà sản xuất máy bay.

Đơn cử như nhà sản xuất các cánh cửa máy bay Nikkiso (Nhật Bản) ngày càng mở rộng năng lực sản xuất tại tỉnh Hưng Yên, nhất là sau khi ký thỏa thuận cung cấp các hộp mômen xoắn, một bộ phận được gắn vào vỏ bọc của động cơ máy bay cho Goodrich (Mỹ).

Hay nói về việc chọn Đà Nẵng để đầu tư nhà máy linh kiện máy bay, đại diện của UAC (Mỹ), từng chia sẻ lý do là hơn 30% đơn đặt hàng máy bay Boeing và Airbus trên thế giới đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cũng tại Đà Nẵng, hồi đầu năm nay, KP Aero Indutries (Hàn Quốc) đón giấy phép đầu tư dự án lắp ráp một vài bộ phận của máy bay.

Đáng kể là Tập đoàn Hanwha với dự án sản xuất động cơ máy bay đặt tại Khu CNC Hòa Lạc, mức đầu tư trên 200 triệu đô la Mỹ và đã tạo ra doanh thu khoảng 140 triệu đô la năm vừa qua.

Nhà máy của Hanwha nhận được rất nhiều kỳ vọng, bởi việc sản xuất được động cơ máy bay được xem là bước tiến lớn cho ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam.

Hanwha có nhà máy Việt Nam. Ảnh minh họa: website Hanwha

Hanwha có nhà máy Việt Nam. Ảnh minh họa: website Hanwha

Một chiếc máy bay cần tới hàng triệu linh kiện khác nhau. Đại diện các hãng máy bay như Airbus từng chia sẻ mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, được xem là cơ hội để các nhà sản xuất linh kiện ngành này đầu tư phát triển.

Đại diện Boeing tại Việt Nam cũng từng cho biết mỗi chiếc Boeing được sản xuất trên thế giới, đều có linh kiện từ Việt Nam. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho hãng trong các năm qua là hàng trăm triệu đô la.

Tuy nhiên, các bộ phận, linh kiện máy bay được sản xuất hiện nay do doanh nghiệp ngoại đầu tư. Hiện tại, các công ty Việt Nam chưa làm việc được trực tiếp với các hãng máy bay mà thông qua các công ty cung ứng Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Điều này được giới phân tích cho là không khó hiểu khi mà ngành này không chỉ đòi hỏi nhà sản xuất phải có công nghệ cao, sản phẩm và quản lý theo chuẩn quốc tế mà thương hiệu phải mạnh.

Doanh nghiệp Việt chỉ cung ứng cấp 2, cấp 3…

Không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng cho máy bay, Việt Nam còn cung cấp nhiều linh phụ kiện cho các sản phẩm công nghệ khác trên thế giới như ngành ô tô, điện tử, điện thoại…

Đơn cử như ngành ô tô, dù các liên doanh xe hơi than phiền công nghiệp hỗ trợ trong nước yếu kém, nhưng Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 8,6 tỉ đô la trong 7 tháng 2024. Đáng chú ý, những quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển đang tăng nhập linh kiện ở Việt Nam, như Mỹ nhập 1,87 tỉ đô la, Nhật Bản 1,68 tỉ đô; Hàn Quốc 924 triệu đô…

Tuy nhiên, thành tích xuất khẩu trên cũng chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp ngoại Nhật Bản, Đài Loan, như MTEX, FAPV, Nissei, Nidec Tosok, Furukawa, Okaya, Nagata, Sanyo Seisakusho, Pronics…

Ảnh: LH

Ảnh: LH

Sự gia tăng đầu tư của nhà cung ứng Hàn Quốc, Đức… cũng giúp kim ngạch mặt hàng này tăng cao. Đơn cử nhà máy ở Đồng Nai của Bosch cung ứng sợi dây đai truyền lực (CVT) cho các hãng ô tô, kể cả xe sang trên thế giới. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia cung ứng dây CVT – một trong những linh kiện quan trọng cấu thành hộp số vô cấp tự động CVT.

Trong khi đó, với doanh nghiệp thuần Việt trong lĩnh vực này cũng lên đến hàng trăm nhưng chủ yếu sản xuất những sản phẩm, linh kiện đơn giản, công nghệ chưa cao, giá trị còn thấp… Đa số các doanh nghiệp này khó trở thành nhà cung ứng sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM).

Ngay như Công ty Lập Phúc trong những năm gần đây nổi lên nhờ cung ứng linh kiện cho các hãng xe ở Mỹ như Tesla, GM…, nhưng theo CEO Nguyễn Văn Trí, Lập Phúc cũng chỉ là nhà cung ứng khuôn mẫu cấp 2, thông qua nhà cung cấp trực tiếp chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang.

Liên quan đến chuỗi cung ứng, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội nhựa cao su TPHCM, với năng lực hiện nay, doanh nghiệp thuần Việt chỉ có thể là nhà cung cấp cấp 2, cấp 3; rất khó trực tiếp cung cấp đến nhà sản xuất đầu cuối. Bởi những sản phẩm như máy bay, ô tô… không chỉ đòi hỏi công nghệ cao mà phải thật an toàn nên các hãng sẽ không chọn những doanh nghiệp thương hiệu chưa lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng gần đây cho thấy nhà sản xuất yêu cầu chuỗi cung cấp khép kín, cung cấp từ A-Z các cấu kiện, thay vì một số chi tiết riêng lẻ. Điều này, buộc các doanh nghiệp chủ động tìm đối tác có thể thực hiện các công đoạn, chi tiết trong cụm để có thể “bán chung”.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề rất yếu của các doanh nghiệp trong nước và ít có sự kết nối tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất, hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Do đó, theo các chuyên gia để phát triển công nghiệp hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, liên kết hợp tác, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và sự đồng hành hỗ trợ của đơn vị mua hàng, nhà sản xuất thì có thể cải thiện được.

Mặt khác, ngoài việc cần phát triển chuỗi, hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ tốt thì rất cần có những “con sếu” đầu đàn mạnh để dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.

Mặt khác, ngoài việc cần phát triển chuỗi, hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ tốt thì rất cần có những “con sếu” đầu đàn mạnh để dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/linh-kien-may-bay-airbus-xe-tesla-co-giup-cong-nghiep-phu-tro-viet-nam-troi-day/