Lính lái xe trên con đường huyền thoại

Trong chiến tranh, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đóng vai trò cực kỳ quan trọng chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trên tuyến đường huyền thoại này, những đoàn xe vận tải luôn là mục tiêu đánh phá của máy bay địch, người lính lái xe với quyết tâm 'Sống bám xe, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm' đã vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ để đưa hàng tới đích.

Để chặt đứt tuyến đường chiến lược Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã sử dụng mọi thủ đoạn cùng các vũ khí, phương tiện hiện đại để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Điển hình là chúng thiết lập hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, bố trí dây thép gai, gài mìn ở các sườn đồi, thung lũng để chống hành quân bộ và xe vận tải của ta xâm nhập. Tiếp đó, chúng sáng chế, cải tiến máy bay vận tải C130 có tốc độ chậm, trang bị vũ khí mạnh để săn đuổi xe vận tải ban đêm (gọi là AC130).

 Những đoàn xe vận tải vượt Trường Sơn, tiếp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.

Những đoàn xe vận tải vượt Trường Sơn, tiếp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.

AC130 có khả năng bay liên tục từ 3-4 giờ đồng hồ, quan sát ban đêm rất rõ, đánh chính xác, tốc độ bay thích hợp với tốc độ xe chạy bên dưới, bắn đạn gây sát thương nặng. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1971 đã có 1.425 xe và 8.500 tấn hàng của tuyến đường Trường Sơn bị máy bay loại này của Mỹ bắn cháy, có đơn vị mất đến một nửa quân số. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 101 (Trung đoàn ô tô vận tải 13) được Bộ Tư lệnh Trường Sơn chọn để chạy thử nghiệm nhằm nghiên cứu thủ đoạn đánh phá của AC130.

Là lái xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm ấy, trong ngôi nhà của ông Trần Văn Khiêm (sinh năm 1949) ở đường Nguyễn Văn Mẫn, phường Trần Phú (thành phố Bắc Giang) có nhiều kỷ niệm gắn với Tiểu đoàn 101. Cả một vùng ký ức rực lửa về đường Trường Sơn năm ấy được tái hiện đầy sống động trong ông. Vào chiến trường năm 1970 khi vừa học lái xe cấp tốc, bình thường, học viên phải qua 6 tháng thậm chí 18 tháng mới được cấp chứng chỉ, tuy nhiên do nhu cầu của chiến trường, ông Khiêm chỉ học có 45 ngày là được cấp chứng chỉ tạm thời.

Ngày đầu tiên ông cùng đồng đội nhận xe từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đưa vào tỉnh Quảng Bình, sau đó nhập tuyến đi bộ từ Quảng Bình vào Binh trạm 559 theo đường giao liên. Nằm trong quân số của Tiểu đoàn 101, ông Khiêm xác định đã vào chiến trường là chiến đấu. Ở những nơi trống trải, để bảo đảm an toàn, lực lượng công binh phải trồng những cây mới hoặc cắm cành lá ngụy trang phù hợp. Trên trời máy bay địch quần thảo, dưới đất đầy bom bi, bom hẹn giờ, trên những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Một bên là núi cao, một bên là suối sâu, tay lái chỉ hơi non là cả người và xe sẽ rơi xuống vực sâu thăm thẳm.

 Ông Khiêm (bên phải) và ông Ý ôn lại kỷ niệm chiến trường.

Ông Khiêm (bên phải) và ông Ý ôn lại kỷ niệm chiến trường.

Nguy hiểm rình rập nữa là nếu không chắc tay lái, chỉ cần đi chệch đường hàng rào thép gai quân địch dựng lên là những dây thép sẽ cuốn chặt vào trục chuyển động. Nếu lái xe 3 cầu trục ngắn thì chỉ có cách là dừng lại, chờ cho xe khác trả hàng xong nhờ dùng tời để cắt dây thép, khi đó xe mới di chuyển được. Mặc cho kẻ địch ra sức đánh phá, ngăn chặn, cùng với thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa đường đất nhầy nhụa, mùa khô nắng cháy gió Lào, mặc cho vắt, muỗi rừng, rắn, rết rồi sốt rét hành hạ nhưng những chuyến xe vận tải vẫn đều đặn mỗi đêm một chuyến hàng.

Ông Khiêm nhớ lại: “Xe của chúng tôi thường khởi hành vào ban đêm. Cứ đi được vài trăm mét lại dừng lại để nghe ngóng, nếu thấy tiếng máy bay là phải tạt vào rừng để tránh. Trong người lái xe nào cũng đeo đèn pin rùa. Để tránh sự phát hiện của địch, nhiều khi đèn sáng quá phải bôi thêm mỡ rồi phủ một lớp cát nhẹ cho mờ bớt. Đèn ô tô lắp dưới gầm, ánh sáng chỉ soi sáng được một khoảng rất nhỏ. Hôm nào trăng sáng, chúng tôi không bật đèn mà đi dưới ánh trăng. Nhiều hôm xe băng qua tuyến đường đối phương thường xuyên thả bom, anh em lái xe phải chấp nhận tắt đèn mà xe vẫn chạy để hoàn thành công việc đúng kế hoạch”.

Tuy không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ ngoài mặt trận, nhưng mỗi chuyến xe chở hàng vào chiến trường đều là những trận chiến đấu cực kỳ căng thẳng, quyết liệt với bom đạn của địch. Núi đồi bị san phẳng, rừng đại ngàn bị cháy trụi, chất độc hóa học của địch rải xuống khắp các tuyến đường. Cùng đó là sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hiểm trở của tuyến đường Trường Sơn với bao nhiêu vực cao, suối sâu. Song vì miền Nam ruột thịt, những người lính lái xe luôn lấy mặt đường làm trận địa, lấy xe làm vũ khí cùng lòng dũng cảm để chiến đấu với kẻ thù.

Cựu chiến binh Vũ Minh Ý, sinh năm 1950 ở xã Minh Đức (thị xã Việt Yên) vào chiến trường từ đầu năm 1968. Ban đầu ông làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, sau đó chuyển sang học lái xe ít ngày rồi bổ sung vào đơn vị xe thuộc Đoàn 559 chuyên chở súng đạn, gạo, quân tư trang. Ông kể: “Chúng tôi cứ 2 người một xe thay nhau lái đêm. Cung đường nào, chuyến xe nào cũng là những kỷ niệm. Lái xe dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, lúc đó, sự sống – cái chết vô cùng mong manh. Nhưng với quyết tâm “Sống bám xe, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm”, anh em đều cố gắng để vượt qua sự săn đuổi của máy bay địch, quyết tâm đưa hàng tới đích”.

Được biết có thời kỳ do tắc đường, không ít lái xe trên tuyến đường Trường Sơn cùng công binh phải đi bộ, gùi cõng từng can xăng. Chỉ sau vài chuyến vận chuyển lưng người nào người ấy phồng rộp, bỏng rát bởi sức nóng của thời tiết và nhiễm độc xăng. Càng gần thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh, yêu cầu có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, vũ khí, đạn dược... càng khẩn trương hơn bao giờ hết.

Những người lính lái xe với tinh thần "Một ngày bằng hai mươi năm" đã cơ động, thần tốc kịp thời vận chuyển, bảo đảm đủ các chuyến hàng an toàn chi viện cho miền Nam. Bao năm là lính lái xe ở Trường Sơn, chiến trường đỏ lửa, đạn bom ác liệt, hiểm nguy, khó khăn là thế, song ông Khiêm, ông Ý cảm thấy vô cùng may mắn khi được trở về lành lặn, các con sinh ra cũng đều khỏe mạnh. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người lính.

50 năm đã đi qua kể từ ngày nước nhà thống nhất, những người lính lái xe trên đường Trường Sơn năm xưa ai nấy đều xúc động, tự hào. Họ đã vượt qua bao khó khăn, đóng góp một phần công sức và trí tuệ của mình cùng dân tộc làm nên một mùa Xuân đại thắng - Xuân 1975.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/linh-lai-xe-tren-con-duong-huyen-thoai-postid415440.bbg