Lính Mỹ bị truy đuổi, tấn công tới tấp ở Syria: Tại sao Nga phải 'giơ đầu chịu báng'?

Vùng Đông Bắc Syria trên thực tế là khu vực bất ổn không kém Idlib và bất kỳ sự cố nào xảy ra ở đây đều có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Nga không thể triển khai máy bay nếu không có sự chấp thuận của Mỹ

Ngày 19/8, một cơ sở quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Syria, phía Đông vùng Deir ez-Zor, đã bị tấn công tên lửa. Một số quả đạn rơi xuống khu vực gần căn cứ Mỹ ở mỏ dầu Conoco.

Trước đó, vào ngày 17/8, một vụ đụng độ vũ trang cũng đã xảy ra giữa lực lượng tuần tra Mỹ với các binh sĩ Quân đội Syria gần thành phố Qamishli thuộc tỉnh Hasakah kế bên. Sự việc diễn ra tại một trạm kiểm soát khiến một lính đặc nhiệm Syria thiệt mạng.

Những sự việc như thế này là một tín hiệu đáng báo động đối với vai trò chỉ huy của Nga tại đây bởi Moscow đã tự đặt mình vào một vị trí rất rủi ro ở địa bàn khu vực sông Euphrates.

Nga không có đủ ảnh hưởng cần thiết đối với chính quyền Syria trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích chống lại Mỹ cũng như không có đủ lực lượng để thực hiện các hoạt động quân sự hiệu quả.

Khu vực được đề cập tới ở đây là tả ngạn sông Euphrates mà Quân đội Nga và Syria đã tiến quân vào từ mùa Thu năm ngoái dựa trên thỏa thuận với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nhằm ngăn chặn bước tiến của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình.

Tại khu vực này, Quân đội Nga và Syria không giành được toàn quyền kiểm soát lãnh thổ và hành chính. SDF do Mỹ hậu thuẫn vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện cùng với cơ quan quản lý dân sự thuộc quyền, đó là chưa kể đến các cơ sở quân sự của Mỹ.

Không giống như lực lượng Mỹ đóng tại khu vực này, ba tiểu đoàn quân cảnh Nga ở vùng sông Euphrates không nhận được sự hỗ trợ từ trên không. Nga không thể triển khai máy bay nếu không có sự chấp thuận của Mỹ, nước đang kiểm soát vùng trời phía Đông Bắc Syria.

Điều này khiến vị thế của các lực lượng Nga và đồng minh Syria trở nên bấp bênh hơn trong trường hợp xảy ra đụng độ với các nhóm địa phương, dù là thân Thổ Nhĩ Kỳ hay người Kurd.

Xe quân sự Mỹ hoạt động ở gần khu vực biên giới Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Xe quân sự Mỹ hoạt động ở gần khu vực biên giới Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Thế bí của Nga và nguy cơ đối đầu với Mỹ

Nếu như cuối năm 2019, nguy cơ leo thang ở vùng Đông Bắc chỉ có thể xảy ra giữa Damascus và Quân đội Quốc gia Syria đối lập - lực lượng cùng tham gia Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ, thì giờ đây nguy cơ đụng độ lại gia tăng giữa các lực lượng chính phủ và SDF.

Kể từ khi Mỹ quyết định ở lại miền đông Syria, bộ chỉ huy SDF ngày càng ít có xu hướng thỏa hiệp với lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.

Các cơ quan mật vụ của Chính phủ Syria - theo tiếng Ả Rập là Mukhabarat - được cho là đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột giữa Damascus và SDF.

Các tổ chức Mukhabarat đang cố gắng thúc đẩy những cuộc biểu tình của các bộ lạc Ả Rập sinh sống ở Deir ez-Zor thành một cuộc nổi dậy vũ trang công khai chống lại SDF. Sau đó, một số trưởng lão địa phương liên kết với Mukhabarat sẽ yêu cầu Tổng thống Assad can thiệp và hỗ trợ họ.

Để thực hiện được những mục tiêu này, các cơ quan mật vụ sẵn sàng phát động nhiều hình thức khiêu khích khác nhau nhằm làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa SDF và các bộ lạc. Công việc này của các đặc vụ ủng hộ Tổng thống Assad đã mang lại kết quả.

Một số trưởng lão từ bộ tộc al-Uqaydat - bộ tộc lớn nhất ở tỉnh Deir ez-Zor - đã tuyên bố thành lập Quân đội al-Uqaydat với mục đích tổ chức ra một phong trào khác chiến của quần chúng chống lại sự chiếm đóng của Mỹ cùng lực lượng lính đánh thuê của họ.

Tuy nhiên, một kịch bản cực đoan như vậy không nhận được sự hỗ trợ từ Nga vì Moscow nhận thức rõ cả điểm yếu quân sự của mình ở Đông Bắc Syria và mức độ hậu thuẫn chưa đủ từ các bộ lạc Deir ez-Zor cho Damascus.

Đoàn xe quân sự Nga Mỹ ở địa bàn al-Malikiyah, Syria tháng 6/2020. Ảnh: AFP

Đoàn xe quân sự Nga Mỹ ở địa bàn al-Malikiyah, Syria tháng 6/2020. Ảnh: AFP

Phía Nga cũng lo ngại rằng, leo thang trong khu vực có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa chính quyền Syria và SDF, lực lượng được Mỹ hỗ trợ trực tiếp.

Trong tình huống như vậy, Moscow khó có thể giúp được Tổng thống Assad và buộc phải đóng vai quan sát viên, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Điện Kremlin.

Đồng thời, xét về tổng thể, Nga sẵn sàng khuyến khích mong muốn của các bộ tộc Ả Rập ở phía Đông Bắc và phía Đông Syria tự giải phóng họ khỏi sự bảo trợ của SDF nhưng lại không muốn họ đối đầu trực tiếp với người Kurd và Mỹ.

Moscow sẽ chỉ cố gắng thu hút người Ả Rập về phía mình, gồm cả việc can dự và tuyển mộ các lực lượng quân sự hoạt động dưới sự bảo trợ của Nga.

Mùa Thu năm ngoái, Nga đã đàm phán với Jamil Rashid al-Khafal, một trong những tộc trưởng của bộ tộc al-Uqaydat, đề xuất kế hoạch “hòa giải” với chính quyền theo cùng một công thức đã sử dụng với phiến quân ở Daraa, phía Tây Nam Syria.

Cùng với đó, các lực lượng thuộc Hội đồng quân sự Deir ez-Zor (một cơ cấu quân sự của SDF, gồm các bộ tộc Ả Rập) sẽ trở thành những đơn vị nòng cốt của các lữ đoàn thành lập mới trực thuộc Quân đoàn Tấn công Số 5 đặt dưới sự chỉ huy của Nga.

Tuy nhiên, các bộ lạc đã từ chối đề xuất của Nga sau khi Washington nói rằng lực lượng của họ sẽ ở lại miền đông Syria để bảo vệ các mỏ dầu.

Các kế hoạch của Nga nhằm củng cố vị trí của mình ở Đông Bắc Syria và lập ra các lực lượng trung thành tại đây có thể nhận được sự ủng hộ từ Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), những nước đang tích cực hợp tác với các bộ tộc Ả Rập trong khu vực.

Việc thành lập các tổ chức quân sự thân Nga ở Đông Bắc Syria có thể giúp xây dựng được một vùng đệm ở đó, không có sự hiện diện của Iran, và cũng đáp ứng lợi ích của Abu Dhabi và Riyadh.

Điều này sẽ đảm bảo rằng nếu Quân đội Mỹ rời khỏi khu vực, vị trí của họ sẽ được thay thế, không phải bởi các đội hình thân Iran, mà là những lực lượng do Moscow tạo ra và kiểm soát.

Mặc dù Đông Bắc Syria chỉ như “cái bóng của Idlib” nhưng trên thực tế đây là khu vực biến động không kém và bất kỳ sự cố nào xảy ra ở đó đều có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Tú Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/linh-my-bi-tan-cong-lien-tiep-o-syria-nga-gio-dau-chiu-bang-tai-sao-8202027863733185.htm