Lính Mỹ thấy 'xấu hổ' khi người Kurd bị Washington phản bội
Nhiều lính Mỹ cảm thấy xấu hổ khi họ bỏ rơi đồng minh cũ là những người Kurd trước đợt tấn công của lính Thổ Nhĩ Kỳ vào phía bắc Syria.
“Họ tin tưởng chúng ta, nhưng chúng ta đã phá vỡ lòng tin đó”, một sĩ quan quân đội Mỹ từng chiến đấu bên cạnh người Kurd ở đông bắc Syria nói với New York Times. “Đây là vết nhơ đối với lương tâm người Mỹ”.
Sự áy náy trên là tâm trạng của một số lính đặc nhiệm Mỹ, sau khi được lệnh từ Nhà Trắng là phải bỏ rơi những đồng minh người Kurd, những người mà họ đã cùng chiến đấu chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong những năm qua.
“Tôi thấy xấu hổ”, một sĩ quan khác nói. Hai người đều giấu tên để không gặp vấn đề với cấp trên.
"Điều tồi tệ nhất là sự phản bội"
Việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria đang đặt lực lượng người Kurd vào nguy hiểm khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công qua biên giới giáp Syria. Sự hỗ trợ của đặc nhiệm Mỹ là thế mạnh của người Kurd trước các lực lượng đối địch khác.
Năm ngoái, khi người Kurd đang bị tấn công bởi nhiều đoàn xe tăng và binh lính của chính phủ Syria, bao gồm lính Nga, người Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52. Chỉ vài giờ, cuộc tấn công dừng lại.
“Điều tồi tệ nhất trong quân sự và giữa những người đồng đội là sự phản bội”, Shervan Darwish, quan chức có liên hệ với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm do người Kurd dẫn đầu, nói.
Đó cũng là phản ứng chung của người Kurd trước việc Tổng thống Trump đột ngột rút hỗ trợ dành cho họ vào tuần trước.
Đến ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper thông tin thêm rằng ông Trump đã ra lệnh rút 1.000 lính Mỹ khỏi đông bắc Syria trong thời gian tới. Ông thừa nhận rằng Mỹ đã cố yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng tấn công người Kurd, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã bỏ ngoài tai.
Và như vậy, trong khi binh lính người Kurd di chuyển về phía bắc để chi viện cho đồng đội đang chống chọi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, lính Mỹ chỉ có thể quan sát từ sau các bao cát. Lệnh từ Washington chỉ đơn giản là: hãy để người Kurd tự cứu mình.
Cho đến trước lệnh rút quân đột ngột, lính Mỹ và lính Kurd đã phối hợp chặt chẽ, chung sống trong những khu nhà bụi bặm, sẻ chia với nhau từ bữa ăn đến những hiểm nguy. Họ sát cánh trong chiến trận, và giúp sơ tán những binh lính Kurd chết và bị thương.
“Khi họ tiếc thương đồng đội, chúng tôi tiếc thương cùng họ”, Tướng Joseph Votel, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của Quân đội Mỹ, đặc trách vùng Trung Đông, nói tại Viện Trung Đông, ngày 11/10.
Trước đây, Mỹ đã làm trung gian cho một thỏa thuận để giảm căng thẳng giữa người Kurd và quân Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó người Kurd đồng ý rút khỏi biên giới, phá hủy các căn cứ và trả lại một số vũ khí hạng nặng.
Những động thái đó nhằm chứng tỏ họ không là mối đe dọa đối với lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giờ đây lại làm họ yếu đi khi bị Ankara tấn công.
Phối hợp từ chỉ huy cho đến lính
Trong cuộc chiến chống IS, phía Mỹ và người Kurd đã phối hợp từ chỉ huy cao nhất đến những người lính ngoài trận địa, theo New York Times.
Chỉ huy của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng sĩ quan Mỹ lên chiến lược và kế hoạch tác chiến tại bộ tư lệnh chung ở một nhà máy xi măng gần thị trấn Kobani phía bắc Syria.
“Đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của SDF là những binh lính cứng rắn được tôi luyện trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Người Mỹ đã chứng kiến họ chiến đấu và tin tưởng hoàn toàn”, Nicholas Heras, nhà nghiên cứu ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới, người từng tới thăm và cố vấn cho SDF, nói với New York Times.
“Trong hai năm qua, sự phối hợp khá sâu sắc”, Mutlu Civiroglu, nhà phân tích về vấn đề người Kurd ở Washington từng làm việc tại đông bắc Syria, cho biết. “Sự tin tưởng lẫn nhau là rất cao, vì sự hợp tác đã mang lại kết quả to lớn”.
“Liên minh (do Mỹ dẫn đầu) không có lính trên mặt đất, còn lực lượng người Kurd không có hỗ trợ trên không, vì vậy họ cần nhau”, ông nói.
Chẳng hạn, để tấn công một thị trấn, lính SDF được máy bay của liên quân thả xuống đằng sau chiến tuyến của IS. Trong trận chiến khác, đặc nhiệm Mỹ giúp người Kurd lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch tiến công vượt sông Euphrates.
Sau khi Nhà nước Hồi giáo mất gần hết diện tích kiểm soát, Mỹ đào tạo cho các đơn vị chống khủng bố người Kurd về chiến thuật truy quét các điểm ẩn náu còn lại của IS, và cung cấp thông tin tình báo phục vụ các chiến dịch này.
Lính người Kurd cũng thường lái xe trước và sau để hộ tống các đoàn xe Mỹ khi đi qua các thị trấn Syria, và tạo thành hàng rào an ninh bên ngoài các cơ sở mà quân nhân Mỹ làm việc.