Quan chức Nga thông báo lực lượng nước này phóng tên lửa phá hủy thêm một xe tăng M1 Abrams của quân đội Ukraine gần thành phố Avdeevka.
"Tôi đã được xác nhận về việc một xe tăng Abrams khác do Mỹ sản xuất bị phá hủy", Igor Kimakovsky, cố vấn lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) do Nga bổ nhiệm, thông báo ngày 10/3.
Ông Kimakovsky cho biết, chiếc M1 Abrams bị hạ gần làng Berdychi, phía tây bắc thành phố Avdeevka. Chiếc M1 Abrams này "trúng tên lửa chống tăng, xe tăng cháy rụi, toàn bộ kíp lái trên xe thiệt mạng", ông Kimakovsky nói.
Các kênh Telegram quân sự Nga công bố video đen trắng quay từ kính ngắm cho thấy tên lửa bay về mục tiêu được cho là xe tăng M1 Abrams của Ukraine và một vụ nổ lớn diễn ra sau đó.
Trong phần sau của video, xác một chiếc M1 Abrams cháy rụi giữa cánh đồng, nhưng không rõ có phải là xe tăng bị tên lửa ngắm bắn hay không.
Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận thông tin do Kimakovsky đưa ra.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tới nay đã tuyên bố phá hủy 3 xe tăng M1 Abrams của Ukraine, trong đó có một chiếc trúng đạn của xe tăng T-72B3 trong lượt bắn đầu tiên.
Hôm 26/2, Tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga Sergey Chemezov bình luận rằng: "Một huyền thoại nữa về tính bất khả xâm phạm của xe tăng M1A1 Abrams đã bị phá vỡ, điều kỳ diệu đã không xảy ra".
"Ưu thế tuyệt đối của công nghệ quân sự phương Tây chỉ là chuyện hoang đường. Họ mạnh ở một số khía cạnh nào đó, nhưng chúng tôi cũng không kém cạnh", ông Chemezov nói.
"Hãy xem bao nhiêu chiếc Leopard, Challenger, Bradley và phương tiện phương Tây nằm rỉ sét trên chiến trường. Đây là minh chứng cho năng lực của chúng tôi", ông Chemezov nhấn mạnh.
Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 31 xe tăng Abrams phiên bản M1A1SA cho Ukraine, đủ trang bị cho một tiểu đoàn thiết giáp.
Ban đầu, Mỹ dự định viện trợ cho Ukraine mẫu M1A2, song sau đó quyết định chọn biến thể M1A1SA kém hiện đại hơn để đẩy nhanh tốc độ bàn giao.
Tuy nhiên, mãi tới tháng 9/2023, số xe tăng M1A1SA Abrams này mới tới Ukraine
Truyền thông phương Tây cho biết số xe tăng M1 mà Ukraine nhận "không phải hàng mới" và bị loại tất cả công nghệ nhạy cảm nhất, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng phổ thông.
Trong nhiều tháng trước đó, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này đã không tham gia bất cứ trận đánh nào, dù chúng đã được chuyển đủ cho Ukraine ngay trong năm 2023.
Theo Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, các đơn vị Ukraine ở Avdeevka buộc phải tung M1A1 SA Abrams ra tiền tuyến do "cạn kiệt xe tăng" sau các đợt giao tranh với lực lượng Nga.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, "biến thể M1A1 SA Abrams mà lực lượng Ukraine sử dụng đã bị Mỹ lược bớt giáp uranium nghèo", theo lời ông Murakhovsky cho biết.
Việc loại bỏ giáp uranium nghèo siêu cứng - vốn là bí mật quân sự của Mỹ- cộng với việc không hề có giáp nóc hay bất cứ bộ phận nào để chống UAV tự sát, đã khiến cho M1A1 SA của Ukraine trở thành mục tiêu dễ dàng của Nga.
Không những vậy, theo ông Murakhovsky, hệ thống liên lạc và phòng vệ hiện đại vốn được trang bị trên xe tăng M1A1 SA Abrams dành cho lục quân Mỹ cũng đã bị lược bỏ trước khi chuyển giao cho Ukraine.
Được biết, biến thể M1A1 SA Abrams là phiên bản nâng cấp từ dòng chiến xa chủ lực M1 Abrams do hãng General Dynamics của Mỹ phát triển vào đầu thập niên 1980.
Việc sản xuất biến thể này cũng đã bị dừng lại hơn 30 năm trước, cụ thể năm 1992 Mỹ đã không còn sản xuất M1A1 SA để tập trung cho phiên bản M1A2 vốn hiện đại hơn.
Rõ ràng, ngoài việc là biến thể cũ thì việc lược bỏ một số thành tố chính làm nên tên tuổi của xe tăng Abrams trước khi chuyển giao cho Ukraine, đã khiến cho M1A1 SA nhanh chóng bị quân Nga vô hiệu hóa.
Đây cũng không phải lần đầu tiên xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất bị phá hủy trên chiến trường.
Tại Trung Đông, xe tăng M1A1 Abrams trong trang bị của quân đội Iraq đã nhiều lần bị đối phương bắn cháy.
Mặc khác, việc huấn luyện tốt cho binh sĩ điều khiển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ưu thế và sự sống còn của xe tăng M1 Abrams trên chiến trường.
Bằng chứng là xe tăng M1 Abrams trong tay lính Mỹ với tỷ lệ bị đối phương tiêu diệt sẽ ít hơn rất nhiều so với lính Iraq.
4 điểm mấu chốt để đánh giá một chiếc xe tăng mạnh là động cơ khỏe, hỏa lực mạnh mẽ chính xác, hệ thống phòng vệ chủ động tốt và cuối cùng là hệ thống giáp tốt để chống lại hỏa lực chống tăng.
Xe tăng Abrams đặc biệt là phiên bản M1A1 và M1A2 có đấy đủ những tiêu chí này khi chúng có động cơ 1.500 mã lực, hỏa lực mạnh với pháo 120mm điều khiển số hóa, hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Trophy-A và giáp Uranium nghèo siêu cứng.
Tuy vậy khi bán hoặc viện trợ cho đối tác thì giáp Uranium nghèo đã bị lược bỏ, hệ thống phòng vệ chủ động cũng không có và ngay cả hệ thống điện tử số hóa hiện đại cũng bị tháo dỡ.
Điều này giải thích vì sao xe tăng Abrams trong tay quân Mỹ thì mạnh, nhưng khi vào tay các lực lượng khác, chúng lại dễ bị tổn thương trên chiến trường.
Yan Gagin, cố vấn lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Nga bổ nhiệm, ngày 2/3 nhận định xe tăng M1A1 SA Abrams của Ukraine "không khác gì hộp thiếc gắn pháo" sau khi bị loại bỏ hết công nghệ hiện đại.