Linh thiêng đền thờ Thiên Thành công chúa - phu nhân Hưng Đạo Đại vương
TP Chí Linh có đền Kiếp Bạc nổi tiếng linh thiêng thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, đã 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Nhưng ít người biết, cách đó không xa còn có ngôi đền Dím thờ Thiên Thành công chúa Nguyên Từ Quốc Mẫu, là phu nhân của ngài.
Nguyên Từ Quốc Mẫu Trần Triều (hiệu là Thiên Thành Thái Trưởng) vốn là con gái trưởng của vua Trần Thái Tông. Năm Tân Hợi (1251), công chúa sánh duyên cùng Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo. Từ đó, bà rời chốn hoàng cung, giúp phu quân kinh bang tế thế. Trong hai lần kháng chiến chống giặc Nguyên xâm lược nước Đại Việt (1285 và 1288), bà được vua Trần giao việc làm tổng quản quân lương. Công chúa hướng dẫn các gia đình quý tộc, các chúng dân thực hiện kế “Thanh dã” (vườn không, nhà trống), phát động chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực quân thù.
Thân phận cành vàng lá ngọc nhưng công chúa Thiên Thành đã vì nghĩa lớn, trải qua bao nỗi gian nan, đi gần với dân chúng, trực tiếp phụ trách hậu phương, tổ chức sản xuất, tập trung lương thực, bố trí cắt đặt kho quân lương. Công chúa tận dụng địa thế núi, rừng, sông, ngòi hiểm yếu để phòng bố, tích trữ lương thảo, phục vụ quân doanh trong mọi tình thế. Thời ấy, cả vùng rộng lớn Kiếp Bạc, làng Bến, Thanh Tân, Thanh Tảo, Trung Quê, Đa Cốc, Bãi Thảo, núi Huyền Đinh... đều là căn cứ hậu cần đặc biệt quan trọng của phòng tuyến Vạn Kiếp.
Lương thực, thóc gạo được vận chuyển theo sông Vang, ngòi Mó về Hố Thóc dự trữ, cất giấu. Trong khi ngoài chiến trận, các chiến binh xả thân giết giặc thì ở hậu phương, công chúa chỉ huy lập các cơ sở sản xuất, trồng cấy, chăn nuôi lấy lương thực nuôi quân. Đến mãi đời sau quanh vùng còn dấu vết tên gọi Hố Lợn, Hố Thóc và dân gian truyền tụng câu ca: Trâu thì Mẫu thả Huyền Đinh/Lợn thì Mẫu thả cánh đồng Trung Quê.
Năm 1288, quân Nguyên thua trận, rút về nước. Cũng năm đó, vào mùa thu, Thiên Thành công chúa từ trần. Biết tin, chúng dân đau xót, triều đình tiếc thương, vua Trần sắc phong tước hiệu “Nguyên Từ Quốc Mẫu, Thiên Thành Thái trưởng công chúa” và cho phép tạc tượng phụng thờ.
Đền thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu được xây từ đời Trần, tọa lạc trên đồi Dím, làng Thanh Tân, xã Lê Lợi (Chí Linh). Đây vốn là một trong những cơ sở chứa quân lương thời chiến tranh chống giặc Nguyên. Truyền ngôn kể lại, vì nơi đây có trồng nhiều cây khoai lang, nhiều củ bị dím nên mới có tên gọi Đồi Dím, cũng là tên gọi dân dã của đền Dím, lưu truyền đến bây giờ.
Đền tựa lưng vào sườn đồi, thế tiền thủy hậu sơn. Sông Lục Đầu chảy ngang xa xa trước mặt, hai bên có hòn Trĩu và hòn Đồng Trông làm tay ngai vững chắc. Không gian thoáng đạt, phong cảnh hữu tình, bốn mùa trăng thanh gió mát, cây rừng quanh năm lá gió xào xạc giữa trời mây.
Đến nay đã hơn 700 năm, thời gian thiên nhiên đẽo gọt, rồi chiến tranh, bom đạn giặc tàn phá, ngôi đền đã xuống cấp... nhưng dân địa phương nhiều lần trùng tu để có nơi thờ tự, khói hương không khi nào tắt nguội.
Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1996, nhân dân đã dựng 2 gian trung từ, trùng tu 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Đền Dím hiện có kiến trúc kiểu tiền nhất (-), hậu đinh (J). Từ đường giao thông du khách đi qua nghi môn xây kiểu tứ trụ, đỉnh mái đắp lưỡng long chầu nguyệt. Mặt ngoài có chữ “Vạn cổ tối linh”. Hai bên cột đắp đôi câu đối: Thực túc, binh cường lưu hậu thế/Công cao, đức đại tố thiên thu (Lương đủ, binh mạnh lưu hậu thế/Công cao, đức lớn nhớ nghìn thu). Công chúa Thiên Thành được muôn dân kính trọng, sử sách lưu truyền. Công lao của bà trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc, thật nặng như núi Thái Sơn, sáng như sao Đẩu. Đời sau từng xưng tụng: Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu/Anh linh liệt nữ thế gian vô (Người phụ nữ sắc đẹp nghiêng thành thiên hạ từng có, nhưng người có công đức như thánh nữ thì không).
Để tỏ lòng tri ân công đức Quốc Mẫu, đời sau hằng năm vào ngày giỗ trọng (28/9 âm lịch) dân làng tổ chức tế lễ trang nghiêm. Khách thập phương quanh vùng tìm về dâng hoa thơm quả ngọt, phẩm vật bánh trái làm bằng thóc gạo quê hương, cờ phướn rợp trời, hương đăng ngào ngạt cung kính nhân thần.