Linh thiêng đền Tranh
Đền Tranh ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, nay là khu dân cư Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.

Đền thờ Quan lớn Tuần Tranh ở thị trấn Ninh Giang
Đền Tranh (hay còn gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh) là một ngôi đền cổ nằm ở gần bến đò Tranh.
Theo truyền thuyết, vào thời nhà Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Đền ban đầu là ngôi miếu nhỏ, còn gọi là Tranh Giang Đại Vương cổ miếu, nằm sát bến sông nên thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên.
Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền, năm Tự Đức thứ năm (1852), ngôi đền được trùng tu tôn tạo trên quy mô lớn, với những mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, có tượng Quan lớn Tuần Tranh.
Năm 1887, Pháp chiếm Hải Dương và Ninh Giang, chúng đóng quân ở thành Đô Giang (nay thuộc thị trấn Ninh Giang) và sử dụng một số công trình kiến trúc để làm nơi đóng quân, trong đó có đền Tranh, mặc dù vậy chúng cũng không dám phá đền vì nghe danh đền rất thiêng.
Sau này nhân dân xây một đền Tranh mới ở giữa phố của thị trấn Ninh Giang theo kiểu nội công ngoại quốc, có tam quan do ông Đào Lạng ở xã Văn Hội cung tiến. Đền có tổng số 127 gian trên khu đất rộng 4 mẫu Bắc Bộ. Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền bị phá chỉ còn 3 gian cung cấm.

Lễ rước nước tại Lễ hội đền Tranh năm 2024
Năm 1954, đền Tranh được phục dựng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong nhân dân. Đến năm 1966, do nhu cầu mở rộng doanh trại quân đội, nhân dân địa phương cùng Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) chuyển ngôi đền về địa điểm ngày nay.
Đền Tranh thờ thủy thần sông Tranh gọi là Quan lớn Tuần Tranh. Đây là tín ngưỡng dân gian của những người làm nghề sông nước, sau đó lan ra những người buôn bán, mong mọi việc thông đồng, bén giọt, làm ăn gặp nhiều may mắn. Thông qua hình thức tín ngưỡng giúp chúng ta hiểu thêm cuộc đấu tranh chống thiên tai của ông cha ta.

Thủ nhang Trần Thị Với đã có 28 năm phụng sự việc Thánh ở đền Tranh (Ninh Giang) luôn chu đáo cho việc thắp hương, bao sái các ban thờ, hướng dẫn khách thập phương tham quan
Ngày 25/3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đền Tranh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Một năm đền Tranh có 2 kỳ lễ hội mùa xuân và lễ dâng hương mùa thu. Nghệ thuật hát chầu văn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã trở thành một trong những nét văn hóa nổi bật tại lễ hội đền Tranh.
Lễ hội truyền thống đền Tranh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh cũng đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Tháng 3/2024, Lễ hội đền Tranh đặc biệt ý nghĩa khi di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh được đón nhận quyết định là điểm du lịch.

Tại Lễ hội đền Tranh xuân Quý Mão 2023, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Quyết định công bố Lễ hội đền Tranh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Ninh Giang)
Những sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trấn Ninh Giang nói riêng, huyện Ninh Giang nói chung, góp phần bảo tồn, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa địa phương. Thời gian tới, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Ninh Giang, Ban Quản lý đền Tranh tiếp tục phối hợp thực hiện xúc tiến hồ sơ đề nghị công nhận đền Tranh là di tích quốc gia đặc biệt.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Ban Quản lý đền Tranh đã chuẩn bị mọi điều kiện chu đáo nhất để sẵn sàng đón hàng vạn lượt khách tới du Xuân. Trong đó, bố trí điểm check-in ngoài cổng đền phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm; chú trọng cải tạo cảnh quan, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy; không để tình trạng ăn xin tại khu vực di tích.

Chơi pháo đất tại đền Tranh Ảnh: Ban Quản lý đền Tranh
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/linh-thieng-den-tranh-401838.html