Linh thiêng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Trong âm hưởng hào hùng, sự biết ơn và tri ân của những ngày tháng Bảy, từ quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, vượt gần 900 km đường đèo dốc, chúng tôi về thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ.

Nhân dân khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Nhân dân khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Nghĩa trang là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ, có tổng diện tích 140.000 m2, được phân thành 10 khu vực chính.

Trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm, chúng tôi hòa cùng dòng người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước bước vào nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Những vòng hoa tươi thắm cùng những nén hương thơm được dâng lên tượng đài trung tâm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, thể hiện sự biết ơn vô hạn trước anh linh của những người con anh hùng, ưu tú của Tổ quốc đã không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương ngã xuống để có được nền hòa bình, độc lập, tự do cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghĩa trang được chia thành nhiều khu, trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi, quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm được xây dựng theo phong tục tập quán, bản sắc, biểu tượng đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Các phần mộ được xây dựng kiên cố, đường đi lát đá hoặc tráng xi măng sạch sẽ, nhiều cây xanh. Đại hồng chung đặt tại tháp chuông đểi khi đến viếng, mỗi người đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gửi gắm tâm nguyện của mình. Trên thân chuông có khắc lời đề: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non song nặng nghĩa tình”.

Linh thiêng và xúc động là cảm giác của mỗi người khi đến đây, Thượng tá Lý Việt Phú, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Mặc dù đây không phải lần đầu đến nghĩa trang, nhưng mỗi lần đến đây cảm xúc của tôi lại dâng trào trước công lao to lớn và sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Với vai trò là một quân nhân, tôi luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh đất nước.

Nằm dưới khu Tượng đài trung tâm khoảng 500 m là khu mộ liệt sĩ tỉnh Cao Bằng. Những năm qua, khu mộ được đầu tư tôn tạo với nhiều nét đặc trưng của văn hóa quê hương, từ hình ảnh cây đàn tính, chiếc nón lá thân thuộc được cách điệu, tạo nên dấu ấn riêng biệt, minh chứng về tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, phong phú về bản sắc văn hóa, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ.

Thắp nén hương thơm, dâng lên 202 phần mộ liệt sĩ là con em quê hương Cao Bằng, chị Phan Thị Thanh Tâm, đoàn viên chi đoàn Tòa án tỉnh Cao Bằng cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến Nghĩa trang Trường Sơn, nhìn những hàng mộ chạy dài tôi vô cùng xúc động nhưng cũng rất đỗi tự hào. Để tri ân công ơn to lớn của các bậc anh hùng, tôi cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác, trong lao động góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quê hương.

Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu, nhất là đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ, biết bao người mẹ, người cha, anh, em, họ hàng mong mỏi tìm được người thân hy sinh trong chiến tranh. Hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở của những người còn sống. Đứng một góc trong khu mộ, bà Mã Thị Tâm, tổ 9 phường Sông Bằng (Thành phố) cùng gia đình dâng lên phần mộ liệt sĩ Phùng Văn Lèng, sinh năm 1950, xã Quang Long (Hạ Lang) cấp bậc hạ sĩ, hi sinh 18/2/1970 tại Quảng Trị. Bà Tâm cho biết: Sau nhiều năm, tôi và gia đình may nắn tìm được phần mộ của anh trai chồng mình. Hôm nay, tôi cùng gia đình, bạn bè chuẩn bị mâm lễ cùng nhau thắp hương và nguyện cầu cho người đã khuất. Cầu mong những gia đình thân nhân liệt sĩ sớm tìm được phần mộ của những chiến sĩ còn đang nằm lại đâu đó trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thế hệ trẻ thắp những nén hương thơm và bày tỏ lòng tri ân những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thế hệ trẻ thắp những nén hương thơm và bày tỏ lòng tri ân những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Trung bình mỗi năm, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đón hàng trăm nghìn lượt người đến thăm viếng. Họ là những cựu chiến binh, người thân, những người trẻ sinh ra khi đất nước đã hòa bình, trở lại thăm và bày tỏ lòng tri ân những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm.

Đứng trước hàng nghìn bia mộ, chúng tôi càng cảm thấy biết ơn và trân trọn giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do mà những anh hùng liệt sĩ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã chung sức, đồng lòng lấy tuổi trẻ đổi lại. Giờ đây, đất nước đã thanh bình nhưng các anh, các chị mãi mãi nằm lại đây giữa đại ngàn thông reo và gió thoảng. Trường Sơn - ngôi nhà chung của những anh hùng dân tộc, linh hồn các anh, các chị luôn được nâng niu, trân trọng trong trái tim hàng triệu người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu tích của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn như một minh chứng bi tráng và oai hùng của những người con đất Việt đã hiến dâng tuổi xuân, đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả. Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn khi ánh nắng chiều đã dịu, chúng tôi luôn biết ơn và khắc sâu sự hy sinh của thế hệ cha anh, mong các anh hùng liệt sĩ hãy an nghỉ nơi chính suối, Tổ quốc sẽ mãi ghi nhớ công ơn của các anh.

Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/linh-thieng-nghia-trang-liet-si-quoc-gia-truong-son-3170853.html