Linh thiêng Vạn Kiếp

Từ lâu, Vạn Kiếp ở Chí Linh (Hải Dương) đã xuất hiện trang trọng trong từ điển của những người hành hương mộ đạo. Không chỉ đơn thuần là một địa chỉ tâm linh, Vạn Kiếp còn là nơi gắn liền với các chiến công hiển hách thời Trần và Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Kiếp Bạc không chỉ là một địa chỉ tâm linh đơn thuần mà còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông thuở trước

Đền Kiếp Bạc không chỉ là một địa chỉ tâm linh đơn thuần mà còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông thuở trước

Ghi dấu chiến công hiển hách thời Trần

"Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm/ Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh".

Nhắc đến các chiến công của quân và dân Đại Việt phải nhắc đến 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Cổ lần thứ nhất (năm 1258), cuộc kháng chiến thứ hai (năm 1285), cuộc kháng chiến lần thứ ba (1287-1288), thì 2 lần sau, địa danh Vạn Kiếp đều được nhắc tới. Không chỉ là căn cứ địa quan trọng bậc nhất của Hưng Đạo Vương cùng các tướng lĩnh, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Vạn Kiếp còn được giặc Nguyên Mông lấy làm nơi đặt đại bản doanh. Ở cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba 1287-1288, giặc huy động 50 vạn quân tiến vào Đại Việt. Chúng ngược sông Bạch Đằng kéo vào Vạn Kiếp hội quân. Đầu tháng 2/1288, quân địch ở Vạn Kiếp lên tới 30 vạn.

Có vị trí chiến lược trong chiến tranh nên khu vực Vạn Kiếp còn là nơi an nghỉ của các tướng sĩ trận vong nhà Trần và mồ chôn của quân giặc. Hằng năm, vào Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, trên dòng Lục Đầu giang đều diễn ra hội hoa đăng và lễ cầu an. Ngoài cầu cho các vong linh nhà Trần, đồng bào tử trận, còn cầu cho linh hồn của tướng sĩ Nguyên Mông bỏ mạng được siêu thoát để tìm về quê hương.

Theo tài liệu của Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Vạn Kiếp là địa danh có từ ngàn đời trước và nhiều lần thay đổi tên gọi cũng như địa danh hành chính. Thời Hùng Vương, Kiếp Bạc thuộc bộ Vũ Ninh. Thời thuộc Tần là đất quận Nam Hải. Thời thuộc Hán, Vạn Kiếp mang tên Lãng Bạc, rồi đến thời thuộc Đường đổi tên là Lãng Châu của đất quận Giao Chỉ. Thời Đinh, Vạn Kiếp thuộc đất đạo Bắc Giang. Thời Lý, Trần gọi là hương Vạn Kiếp thuộc huyện Phương Sơn, châu Lạng Giang, lộ Bắc Giang thượng. Thời Lê, xã Vạn Kiếp thuộc huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn, Vạn Kiếp lại đổi thành Vạn Yên (An). Từ năm Gia Long 21 (1822), Vạn Yên thuộc tổng Trạm Điền, huyện Phượng Nhỡn, trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh 12 (1831) đổi trấn Bắc Ninh thành tỉnh Bắc Ninh. Đến cuối thập kỷ 80, sang đầu thập kỷ 90 thế kỷ XIX, xã Vạn An thuộc huyện Lục Ngạn, phủ Lạng Giang. Ngày nay, đền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (Hải Dương).

Địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử

Đền Kiếp Bạc ngày nay không chỉ đơn thuần là một địa chỉ tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh của các thế hệ đi trước. Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng toàn thể gia quyến.

Địa điểm khảo cổ phía sau đền Kiếp Bạc đã được các nhà khoa học xác định là tư dinh của Hưng Đạo Vương và gia quyến

Địa điểm khảo cổ phía sau đền Kiếp Bạc đã được các nhà khoa học xác định là tư dinh của Hưng Đạo Vương và gia quyến

Theo văn bia tại di tích, đền Kiếp Bạc được xây dựng ngay sau khi Hưng Đạo Đại vương qua đời năm 1300. Vị trí đền ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên khu đất có diện tích khoảng 13.500 m2. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, sang thời Lê, năm 1427, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh sắp thắng lợi, Lê Lợi đã cắt ngân quỹ, cử Dương Thái Nhất về tu sửa đền Kiếp Bạc, ra sắc chỉ nghiêm cấm chặt cây quanh đền và xâm phạm đất đai di tích. Dưới triều Nguyễn, đền Kiếp Bạc được Nhà nước và nhân dân tu bổ, tôn tạo vào các năm 1847, 1887, 1906, 1916, 1920…

Các nhà khoa học đã xác định tư dinh Vạn Kiếp của Hưng Đạo Vương cùng gia quyến của ông nằm ngay phía sau đền Kiếp Bạc ngày nay. Hiện tại nhà khách đền Kiếp Bạc đang treo một tấm ảnh đen trắng luôn thu hút đông người đến xem về "Dấu tích phủ đệ của Hưng Đạo Đại vương thế kỷ XVIII, phát hiện sau đền Kiếp Bạc năm 1972". Theo các thông tin từ bức ảnh, tư dinh của Hưng Đạo Vương được xây dựng kiên cố, hình hài các kiến trúc còn rõ nét từ gạch lát nền cho đến bờ tường. Sau khi khảo cổ và khẳng định tính chính xác của công trình, các nhà khoa học đã thống nhất tạm thời lấp lại. Ngày nay, tư dinh Vạn Kiếp của Hưng Đạo Vương nằm phía dưới một bãi cỏ xanh tươi, phía trên trồng cây vạn tuế. Du khách và nhân dân đều mong muốn đến một lúc nào đó, tư dinh của Hưng Đạo Vương và gia quyến sẽ mở cửa cho khách tham quan giống như một số kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Đền Kiếp Bạc tọa lạc giữa thung lũng núi Rồng, thuộc địa phận 2 làng Vạn Yên (tên nôm là Kiếp) và làng Dược Sơn (tên nôm là Bạc) nên có tên gọi là đền Kiếp Bạc. Về vị trí địa lý, khu vực Vạn Kiếp có vị trí đặc biệt về giao thông cũng như quân sự. Trong các cuộc chiến tranh thời phong kiến, Kiếp Bạc có núi Rồng hình tay ngai, bao bọc những thung lũng của sông Thương ăn sâu vào hẻm núi, có thể tập kết hàng nghìn chiến thuyền. Trên các đỉnh núi có thể quan sát một vùng sông nước làng mạc bao la, tạo thế chủ động cho quân sĩ khi tiến cũng như khi lui, là thế “tiền công, hậu thủ”. Phía bắc là hệ thống núi rừng trùng điệp, nơi có thể giấu hàng vạn quân, lập căn cứ an toàn; phía nam có làng mạc trù phú, lắm của nhiều người, là nguồn cung cấp nhân tài vật lực to lớn cho chiến tranh...

Lễ hội đền Kiếp Bạc xưa kia được tổ chức từ ngày 16 - 20 tháng 8 âm lịch. Ngày nay, lễ hội ở Kiếp Bạc cũng như Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội lớn, mang đậm dấu tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Kiếp Bạc còn trở lên đặc biệt khi lịch sử đã khẳng định, sau 3 lần chiến thắng Mông Nguyên, Hưng Đạo Vương đã sinh sống những năm tháng thanh bình tại Vạn Kiếp và mất tại đây ngày 20/8/1300.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/linh-thieng-van-kiep-393188.html