Video xuất hiện trên mạng xã hội ngày 27/11 cho thấy các binh sĩ Ukraine đang khai hỏa lựu pháo M101 105 mm tại một vị trí không xác định, được cho là chiến tuyến ở khu vực miền đông.
Khẩu pháo này nằm trong lô vũ khí được Litva chuyển cho Ukraine gần đây.
Quân đội Litva năm 2002 mua lại 54 khẩu M101 từ Đan Mạch, sau đó loại biên để thay thế bằng pháo tự hành 155 mm do Đức và Pháp sản xuất.
Litva gần đây chuyển giao một số pháo M101 dư thừa cho Ukraine, song không rõ số lượng.
Pháo M101 thường được sử dụng để yểm trợ bộ binh trong giao tranh, thay vì đấu pháo với đối phương do chúng sở hữu tầm bắn ngắn.
Các khẩu pháo loại này được bố trí phía sau chiến tuyến, khai hỏa để tập kích đối phương khi lực lượng bộ binh xung kích gặp khó khăn, rồi nhanh chóng di chuyển trước khi bị bắn trả.
Tuy ra đời đã lâu, nhưng lựu pháo kéo M101 vẫn rất phổ biến và đang tiếp tục được tin dùng ở nhiều nước.
Pháo lựu M101 105 mm được Mỹ nghiên cứu chế tạo và sản xuất trong giai đoạn từ năm 1941 - 1953 bởi nhà máy chế tạo đại bác Rock Island Arsenal.
Khẩu pháo này có trọng lượng chỉ 2,2 tấn; dài 5,9 mét trong đó độ dài nòng pháo đạt 2,31 m.
Pháo sử dụng cỡ đạn 105x372R, độ nâng nòng pháo đạt từ -5 đến +66 độ, góc xoay nòng đạt 46 độ.
Khoảng cách bắn tối đa lên tới 11.200 mét với gia tốc đầu nòng đạt 472 m/s.
Tốc độ bắn từ 3 - 10 lần/phút, góc quay ngang 46 độ, tùy thuộc vào kỹ năng của khẩu đội.
Pháo sở hữu bộ càng có thể xếp mở cơ động, thiết bị chống giật thủy lực, khóa nòng trượt theo phương ngang và cơ chế nạp đạn riêng biệt.
Với độ chính xác cao và hỏa lực mạnh pháo chủ yếu được sử dụng để yểm trợ bộ binh tiến công.
Quân đội Mỹ sử dụng loại pháo này trong suốt Chiến tranh Thế giới II, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Sau đó loại pháo này đã xuất hiện trong nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ trên thế giới.
Pháo hiện được sử dụng bởi hơn 40 quốc gia khác nhau nên đã từng có rất nhiều bản cải tiến, nâng cấp với nhiều mục đích khác nhau.
Việt Nam và Hàn Quốc đã cải tiến để biến lựu pháo M101 thành pháo tự hành.
Việt Hùng