Linh vật năm mới và những chuyện vui đó đây

Con trâu là đầu cơ nghiệp, bởi thế, trong dân gian Việt Nam lưu truyền rất nhiều chuyện vui về trâu. Ngày nay, ở Việt Nam và trên thế giới cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến con vật này. Xuân Tân Sửu, Báo Hà Tĩnh xin giới thiệu với độc giả một số chuyện vui về trâu.

Con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh Internet

Chàng Ngốc mất trâu

Gia đình chàng Ngốc mới tậu được một chú trâu rất ưng ý. Sợ trâu bị bắt trộm, tối đến, chàng ta buộc cửa chuồng thật cẩn thận nhưng còn chưa yên tâm nên kê ngay cái chõng tre án ngữ trước cửa chuồng và nằm canh. Sáng ra, Ngốc thấy mình vẫn nằm nguyên trên chõng tre, chiếc chõng chẳng suy chuyển mà không thấy trâu đâu cả. Ngốc ta bèn lên báo quan huyện nhờ phân xử.

Sau khi thuật lại tình hình, Ngốc chỉ còn phân vân mỗi một điểm: Liệu con trâu có chui lọt qua gầm cái chõng tre thấp tè tè hay không? Nghe xong, quan huyện phì cười. Ông bảo: “Có khó hiểu đâu! Thằng trộm nó lừa lúc mày ngủ say bèn khiêng cái chõng dịch sang bên, dắt con trâu ra.

Hình tượng cả ngố mất trâu trong nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Ảnh Internet

Xong đâu đấy, nó buộc cửa chuồng lại, khiêng cái chõng có mày nằm trên vào đúng chỗ cũ rồi dắt trâu dông thẳng! Nó muốn lỡm mày đấy!”. Quan vừa dứt lời, chàng Ngốc bèn nhảy dựng lên: “Thế chắc chắn quan đồng mưu với kẻ trộm rồi. Nếu không làm sao ngài biết rõ đến chân tơ kẽ tóc như vậy”.

Ông Cống làm trâu

Bà Huyện Thanh Quan (tên thật là Nguyễn Thị Hinh) là nữ thi sĩ nổi tiếng với những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng trong đời thường và khi giải quyết những công việc khác, bà lại tỏ ra khá hóm hỉnh.

Ông Huyện có lần đi vắng ít ngày đã tạm giao quyền xét xử cho bà. Thời kỳ đó, do mới trải qua đợt dịch bệnh nên triều đình hạ lệnh cấm giết trâu, bò để duy trì sức kéo. Trường hợp đặc biệt phải làm đơn xin phép quan huyện.

Chuyện “ông Cống làm trâu” được kể lại trong hội họa. Ảnh Internet

Bấy giờ có một ông vừa đỗ Hương cống (cử nhân) làm đơn xin mổ một con trâu để khao làng xóm. Xem xong đơn, Bà Huyện bèn phê vào góc lá đơn với cách chơi chữ thật hóm hỉnh: “Người ta thì chẳng được đâu. Còn như ông Cống làm trâu thì làm”.

Chỉ nhặt có một sợi dây thừng

Hằng năm, triều đình thường cử người đi thanh tra lại việc xử án của quan lại cấp dưới, tránh cho dân bị xử oan sai. Ở địa phương nọ, một tên tù kêu oan vì chỉ nhặt có một sợi dây thừng bên lề đường mà bị xử tới 3 năm tù (!) Khi bị chất vấn, viên quan huyện trả lời cấp trên: “Bẩm ngài, khổ nỗi ở đầu sợi dây thừng ấy là một con trâu mộng cơ ạ!”.

Đua trâu “công thức 1”

Tại ngôi làng Vihear Suor cách Thủ đô Phnom Penh của Campuchia trên 20 dặm về phía Đông Bắc, vào cuối tháng 9 dương lịch hằng năm, người dân thường tổ chức cuộc đua trâu “công thức 1” (Formula One). Hoạt động này còn được gọi là “lễ hội đua trâu P’chum Ben”, rất sôi nổi và vui nhộn.

Cuộc đua gồm 28 cặp người - trâu khỏe nhất, lực lưỡng nhất vùng, tranh tài trên đường đua đầy bùn sình với sự cổ vũ của hàng nghìn khán giả. Dân làng đều mong ước, khấn cầu đàn ông trai tráng và những con trâu trong vùng luôn dồi dào sức khỏe để tranh tài trong lễ hội này.

Du lịch bằng xe trâu

Sáng kiến cho ngành du lịch này không phải ở một quốc gia lạ lẫm nào, mà ở ngay tại Việt Nam. Nhận thấy du khách bốn phương xưa nay đến thăm làng mình theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, không nắm bắt kịp những điều hay, những cái đẹp đang diễn ra nên ngành du lịch Hà Nội nghĩ ra phương cách dùng xe trâu đưa khách đi tham quan làng gốm Bát Tràng.

Du lịch bằng xe trâu xuất hiện ở khá nhiều tỉnh thành Việt Nam. Ảnh Internet

Trâu đi đủng đỉnh nên xe lăn rất chậm, giúp du khách có thể nhìn ngắm cuộc sống sinh động của dân làng gốm nổi tiếng hiện ra chầm chậm trước mắt. Mỗi giờ ngồi trên xe trâu lòng vòng vào thế giới gốm, du khách chỉ tốn 45 - 50 nghìn đồng mà cảm giác lại rất thú vị.

Trâu, bò luôn nhìn về một hướng

Các nhà khoa học Đức đã tiến hành nghiên cứu gia súc để tìm hiểu xem chúng có khả năng định hướng dựa vào từ trường trái đất hay không. Họ đã thu thập hình ảnh của 8.510 con trâu và bò ở đủ tư thế tại 308 đồng cỏ trên khắp hành tinh thông qua Google Earth. Cuối cùng, họ đi đến kết luận là trâu, bò luôn có xu hướng đứng theo trục Bắc - Nam, thường quay đầu nhìn về cùng một hướng.

Vì vậy, nếu chẳng may bị lạc ở nông thôn mà không có la bàn mang theo, bạn chớ vội hoảng hốt, mà hãy nhìn cho kỹ mấy con trâu, hoặc bò để có thể xác định được phương hướng.

Phong Linh

(sưu tầm)

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/linh-vat-nam-moi-va-nhung-chuyen-vui-do-day/206839.htm