Linh vật rắn miền Tây: Mỗi nơi mỗi vẻ, từ dễ thương đến uy nghiêm

Đến thời điểm này, việc tạo hình linh vật rắn của năm 2025 ở các tỉnh miền Tây Nam bộ gần như đã hoàn tất. Cùng là rắn nhưng ở mỗi địa phương có cách tạo hình riêng, từ dễ thương đến uy nghiêm, mạnh mẽ.

Linh vật rắn năm 2025 ở TP Cần Thơ xuất hiện với phong cách “cưng xỉu” vì cách tạo hình mũm mĩm pha nét hài hước, vui vẻ.

Hai chú rắn mũm mĩm, chơi nhạc cụ và biểu diễn tài năng ca hát tại công viên Lưu Hữu Phước, TP Cần Thơ.

Hai chú rắn mũm mĩm, chơi nhạc cụ và biểu diễn tài năng ca hát tại công viên Lưu Hữu Phước, TP Cần Thơ.

Không giống như những năm trước, linh vật của năm thường xuất hiện trong các cụm tiểu cảnh của tuyến đường hoa nghệ thuật ở trung tâm thành phố.

Năm nay, “bé Na” của thành phố động lực trung tâm vùng ĐBSCL chỉ xuất hiện ở công viên Lưu Hữu Phước và cầu đi bộ, thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Chú rắn trổ tài ca hát trước cổng công viên.

Chú rắn trổ tài ca hát trước cổng công viên.

Tại công viên Lưu Hữu Phước, có hai “bé Na” màu xanh rất “cu-te” khi một bé chơi nhạc cụ, bé còn lại biễu diễn với chiếc micro, miệng há hốc biểu cảm như một ca sĩ.

Tiểu cảnh này từ khi xuất hiện đã thu hút đông đảo bạn trẻ, khách tham quan, người đi bộ đếm chụp ảnh kỷ niệm và chia sẻ lên mạng xã hội.

"Bé Na" Cần Thơ trổ tài chơi nhạc cụ.

"Bé Na" Cần Thơ trổ tài chơi nhạc cụ.

Còn tại cầu đi bộ thuộc khu vực bến Ninh Kiều, bộ ba linh vật rắn đội nón lá, phối ba màu lưng hồng - bụng vàng, lưng xanh dương – bụng vàng và lưng xanh lá – bụng vàng. Tượng các linh vật này có chiều cao hơn 2m.

Bộ ba "bé Na" đội nón lá tại cầu đi bộ, bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Bộ ba "bé Na" đội nón lá tại cầu đi bộ, bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Anh Nguyễn Công Dũng - đại diện đơn vị thiết kế, thi công linh vật rắn tại Cần Thơ cho biết, tượng rắn được làm từ xốp, có thời gian thi công khoảng 15 ngày.

Anh Công Dũng nói rằng, các “bé Na” được tạo hình dễ thương, khác với phiên bản đời thật để người xem bớt… sợ.

Đôi vợ chồng du khách Pháp chụp hình kỷ niệm với linh vật rắn Cần Thơ.

Đôi vợ chồng du khách Pháp chụp hình kỷ niệm với linh vật rắn Cần Thơ.

Đang đi dạo tại khu vực bến Ninh Kiều, đôi vợ chồng du khách đến từ Pháp đã tỏ ra thích thú với bộ ba "bé Na" tại đầu cầu đi bộ.

Không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc đáng nhớ của mùa xuân mới đang cận kề, cặp đôi này đã ghi lại hình ảnh tại đây với 3 chú rắn đáng yêu này.

Cặp rắn đáng yêu tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Cặp rắn đáng yêu tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Còn tại Khu đô thị Phú Cường, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang có đến hai phiên bản linh vật của năm 2025, bao gồm: một cặp rắn dễ thương và một tượng rắn hổ mang chúa khổng lồ.

Cặp rắn bé ngẩn cao đầu, thè lưỡi nhưng vẫn rất “cu-te” và thu hút ánh nhìn từ người đối diện.

Linh vật rắn hổ mang chúa cao 7m, uy nghiêm, mạnh mẽ tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Linh vật rắn hổ mang chúa cao 7m, uy nghiêm, mạnh mẽ tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, tượng rắn còn lại phùng mang thể hiện sức mạnh của chúa tể loài rắn – hổ mang chúa cao đến 7m, khoanh đuôi cuộn tròn rộng đến 4,5m. Cả thân hình rắn được sơn màu vàng óng ánh.

Nhiều người đã thốt lên rằng, tượng rắn hổ mang chúa này giống thật đến 99% thể hiện được hồn cốt và sức mạnh của chúa tể loài rắn.

Tượng rắn hô mang chúa màu vàng của tỉnh Bạc Liêu cũng tạo ấn tượng vì giống rắn thật.

Tượng rắn hô mang chúa màu vàng của tỉnh Bạc Liêu cũng tạo ấn tượng vì giống rắn thật.

Trong khi đó, linh vật rắn của tỉnh Bạc Liêu xuất hiện tại thị xã Giá Rai và trung tâm TP Bạc Liêu có tạo hình tương đồng, giống phiên bản đời thật với tạo hình cao lớn và mạnh mẽ.

Tượng rắn hổ mang chúa toàn thân màu vàng xuất hiện đầu đường Nguyễn Tất Thành, dẫn vào trung tâm hành chính tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù một số người “yếu bóng vía” thấy hơi sợ nhưng phần đông vẫn thích thú đến check-in.

Quốc Dũng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/linh-vat-ran-mien-tay-moi-noi-moi-ve-tu-de-thuong-den-uy-nghiem-19225012411413919.htm