Lĩnh vực giao thông vận tải có nguy cơ tham nhũng cao
Ngày 9-12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức tọa đàm đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam.
Chủ trì tọa đàm, TS Trần Văn Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ, đạt tỉ lệ thấp. Nguyên nhân một phần do tham nhũng, làm tăng chi phí kinh doanh, hạn chế cơ hội đầu tư và mở rộng sự bất bình đẳng trong xã hội.
TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (TTCP), cho biết GTVT là ngành thu hút cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao. Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới và TTCP thực hiện vào năm 2012, ngành GTVT đứng thứ 5 trong tổng số 22 ngành có hành vi tham nhũng diễn ra phổ biến nhất.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng sự thiếu minh bạch, sự rườm rà trong thủ tục hành chính cũng dẫn đến nguy cơ tham nhũng. Nhiều quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành còn nhiều cách hiểu khác nhau, tạo lỗ hổng để xảy ra tham nhũng. Ông Tạo dẫn chứng việc xử lý hành vi "vượt đèn vàng" còn gây nhiều tranh cãi khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn với quy định này. Còn hiện trạng bảo kê xe quá tải, xe khách chở quá số người quy định, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chậm ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý. Chẳng hạn với tình trạng xe khách chở quá số người quy định, hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ, lắp đặt các thiết bị để đo đếm lượng hành khách trên các phương tiện vận tải thay vì CSGT dừng phương tiện rồi đếm từng người như hiện nay.
Để ngăn chặn các nguy cơ tham nhũng, chuyên gia UNDP Nguyễn Việt Hoàng cho rằng Chính phủ và Bộ GTVT cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vận tải đường bộ. Song song đó, đổi mới trình tự, thủ tục cấp phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải đường bộ; đồng thời tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý vận tải đường bộ và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp…