Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Gian nan ươm mầm tài năng
Nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, có một thực tế, công tác đào tạo trong lĩnh vực này vẫn trong tình trạng 'thừa thầy, thiếu thợ'.
Tìm người theo học
Hiện nay có khoảng 51/63 tỉnh thành có đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu công lập ở nhiều thể loại, với hơn 3.000 người. Nhưng nhân lực chất lượng cao, tài năng lại khá hiếm.
Thực tế cho thấy, “lỗ hổng” về nguồn nhân lực trong lĩnh vực sân khấu nói riêng và văn học, nghệ thuật nói chung là điều đã được dự báo trước. Bởi thực tế, ngay trong công tác đào tạo, tuyển sinh lĩnh vực này nhiều năm qua luôn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều ngành không có học viên tham gia tuyển sinh.
Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết, theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số lượng diễn viên trong độ tuổi 20 – 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 – 30 cũng chỉ chiếm 42,3%. Bên cạnh đó, có một bất cập là nhiều đơn vị có diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Cho nên xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì rất khan hiếm nguồn nhân lực sung sức. Chưa kể, nhiều năm qua các đơn vị sân khấu truyền thống hàng đầu Việt Nam luôn không tuyển đủ chỉ tiêu về lượng diễn viên.
Các trường nghệ thuật đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống cũng đang loay hoay tìm nguồn để tuyển sinh. Đơn cử như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm qua không đào tạo diễn viên Tuồng vì không có học viên. Tình hình đào tạo diễn viên chèo, cải lương, múa rối cũng trong tình trạng “năm có, năm không”. Cá biệt khoa đào tạo kịch hát dân tộc cũng phải ngừng vì không có học viên. Đáng buồn hơn, các môn biểu diễn nhạc cụ như tỳ bà, sáo... tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhiều năm qua luôn trong tình trạng không có người theo học.
Không thể sống mãi bằng đam mê
Chỉ dẫn chứng một lĩnh vực là sân khấu đã cho thấy khâu đào tạo các tài năng văn hóa nghệ thuật vẫn đang là hành trình đầy gian nan và có chênh lệch khá lớn giữa các loại hình nghệ thuật. Đặc biệt là với những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cả chục năm để đào tạo. Thế nhưng khi trở thành diễn viên thì lại bắt đầu vào câu chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Nhiều diễn viên đã phải bỏ nghề cũng chỉ vì không thể sống mãi bằng đam mê.
Để mở đường cho các nghệ sĩ tiếp tục theo đuổi đam mê, cũng như lấp những khoảng trống về nguồn nhân lực, thời gian qua, nhiều đề án về đào tạo, phát triển tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đã được Chính phủ ban hành và triển khai như các đề án: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; “Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”... Bên cạnh đó, nhiều nghị định, thông tư về xét tặng các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu NSND, NSƯT cho những cá nhân có thành tích, cống hiến xuất sắc trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng đã được ban hành; ghi nhận, tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông cho biết, hiện nay trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không phải là không có sự đầu tư của nhà nước mà thực tế đang thiếu người học. Đơn cử như theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo ở nước ngoài, riêng với Nga, ngành văn hóa, nghệ thuật có 1.000 suất học bổng hàng năm nhưng không đủ người để đi học. Bộ VHTTDL hiện có 2 đề án đào tạo trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài. “Hàng năm, chúng tôi vẫn tuyển sinh các em trong độ tuổi, đáp ứng nhu cầu chuyên môn về phía Bộ và đơn vị đào tạo nước ngoài để đưa đi. Đơn cử, như lĩnh vực điện ảnh trong 3 năm qua vừa qua, chúng tôi đã đưa 30 học sinh tới Mỹ, Úc học đại học và trên đại học, âm nhạc cũng vậy. Đối với ngành múa hay xiếc, trong những năm tới xúc tiến việc đưa các cháu nhỏ tuổi hơn đi học từ hệ trung cấp” - ông Đông cho biết.
PGS.TS Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, cả nước hiện có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học, 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở công lập, tư thục tham gia đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đào tạo không đủ chỉ tiêu hàng năm. Thậm chí có trường phải cho giáo viên nghỉ việc vì quá ít sinh viên như Đại học nghệ thuật Huế; một số trường phải đóng ngành đào tạo vì không có người học.