Lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Còn thiếu những tác phẩm hay

Trong báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá, hoạt động sáng tác VHNT trên địa bàn tỉnh có số lượng nhiều nhưng ít tác phẩm nổi trội. Đây là điều đáng suy nghĩ đối với những ai quan tâm đến sự phát triển của VHNT xứ Trầm.

Số lượng nhiều, nhưng ít tác phẩm nổi bật

Trong 15 năm qua, các hội viên thuộc các chuyên ngành VHNT của tỉnh đã giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm mới. Trong đó, chuyên ngành văn học có hơn 300 tác phẩm được xuất bản thành sách; chuyên ngành sân khấu có gần 30 kịch bản, 30 vở diễn; chuyên ngành âm nhạc và múa mỗi năm có gần 100 sáng tác mới; chuyên ngành mỹ thuật tổ chức 6 triển lãm, tham gia 15 triển lãm mỹ thuật toàn quốc; chuyên ngành nhiếp ảnh tổ chức 6 triển lãm, hàng năm có hàng trăm tác phẩm được giới thiệu bằng nhiều hình thức khác nhau; chuyên ngành văn nghệ dân gian có hơn 30 công trình nghiên cứu… Nhiều tác phẩm VHNT và một số văn nghệ sĩ đã đạt giải cao tại các cuộc thi trong nước, quốc tế. Cụ thể, có 6 tác giả được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 7 nghệ sĩ được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, 3 nghệ sĩ được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân; có 300 tác phẩm VHNT được UBND tỉnh tặng thưởng VHNT hàng năm và gần 120 tác phẩm được UBND tỉnh tặng thưởng VHNT 5 năm.

Các nghệ sĩ xem tranh được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh giới thiệu tại Festival Biển 2023.

Tuy có số lượng tác phẩm lớn, đa dạng trên các loại hình khác nhau, nhưng những tác phẩm thực sự nổi bật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng lại rất ít. Thật khó để công chúng nhớ tên một tập truyện - tập thơ, những bài hát, bức tranh… được sáng tác trong vòng 15 năm qua. Ngay cả 2 nhạc sĩ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022, khi xem lại thời gian sáng tác của những tác phẩm được xét cũng đã từ rất lâu, tác phẩm gần nhất được viết vào năm 2006. Dẫu vậy, một số bạn trẻ hoặc một số người không phải là hội viên Hội VHNT tỉnh lại sáng tác những tác phẩm nhận được sự đánh giá tích cực của công chúng; cách thức họ đưa các tác phẩm đến công chúng theo xu hướng hiện nay cũng đáng để học tập.

Cần quan tâm hơn đến đội ngũ văn nghệ sĩ

Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, hiện nay, hội có gần 400 hội viên sinh hoạt ở 6 chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian; tăng 175 người so với năm 2008. Nhằm phát huy được khả năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, Hội VHNT tỉnh rất cần tổ chức một số hoạt động mang tính chuyên môn sâu cho từng chuyên ngành, từng nhóm tác giả tiêu biểu, như: Các trại sáng tác VHNT riêng cho từng chuyên ngành; các cuộc triển lãm giao lưu, công bố tác phẩm của các văn nghệ sĩ trong khu vực, toàn quốc; hoạt động triển lãm, công bố tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng, nghệ thuật cho các tác giả, nhóm tác giả tiêu biểu…

Có thể thấy, việc sáng tác tác phẩm VHNT phải gắn liền với hoạt động công bố tác phẩm để giúp cho tác phẩm mới đến với công chúng nhanh nhất. Nhưng cách thức, hình thức công bố tác phẩm đang là vấn đề cần sự thay đổi. Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay, việc công bố tác phẩm nên được các văn nghệ sĩ tự chủ động, thay vì trông chờ vào những hoạt động công bố theo phương thức cũ.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên nhân dẫn đến việc sáng tác VHNT trong tỉnh thời gian qua ít có tác phẩm nổi trội là do công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ chưa có sự đầu tư thỏa đáng, còn nhiều bất cập và chậm đổi mới. Chính vì thế, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn trong tỉnh cần nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo, toàn diện các quan điểm của Đảng về VHNT; quan tâm đầu tư xứng tầm cho VHNT nói riêng, văn hóa nói chung; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ cần được thực hiện thường xuyên đi đôi với phát hiện tài năng, phát triển năng khiếu; sớm sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ phù hợp với tình hình thực tế…

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ông NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Cấp ủy địa phương, đơn vị phải chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa đảm bảo văn hóa, VHNT phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa đảm bảo tự do sáng tạo của cá nhân. UBND tỉnh khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác các tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, cống hiến thiết thực cho sự phát triển của xã hội. Hội VHNT tỉnh thường xuyên động viên, gợi mở đề tài mới để đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy cao độ tinh thần và khả năng sáng tạo...

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/linh-vuc-van-hoc-nghe-thuatcon-thieu-nhung-tac-pham-hay-8722198/