Lisa Su - Người phụ nữ quyền lực thung lũng Silicon
Khi Lisa Su trở thành CEO của Advanced Micro Devices vào năm 2014, công ty đã đứng trước bờ vực phá sản. Kể từ đó, cổ phiếu của AMD đã tăng vọt từ dưới 2USD lên 161,91USD vào ngày 29-11-2021, và hiện nay xoay quanh mức 77,5USD/cổ phiếu. Công ty hiện đi đầu trong lĩnh vực máy tính hiệu suất cao.
Cải tử hoàn sinh AMD
Bà Su đã nhận được những lời khen ngợi vì đã dẫn đầu sự thay đổi của AMD. Chỉ tính riêng trong năm 2019, cổ phiếu của AMD đã tăng 156%. Tên bà xuất hiện trong danh sách những CEO hàng đầu của Barron năm 2021, những người phụ nữ quyền lực Nhất năm 2020 của Fortune, và người được trả lương cao nhất trong S&P 500. Bà là phụ nữ đầu tiên đứng đầu danh sách này. Theo đó, bà Su kiếm được tổng cộng 58,5 triệu USD trong năm 2019 - nhiều hơn gần 13 triệu USD so với CEO được trả lương cao nhất tiếp theo, David Zaslav của Discovery Inc, người kiếm được 45,8 triệu USD.
Năm 2022, bà Lisa Su được trao Giải thưởng Danh dự Hòa bình Quốc tế vì những thành tựu trong việc “cách mạng hóa máy tính hiệu suất cao, hiến tặng siêu máy tính để nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và truyền cảm hứng cho mọi người ở mọi hoàn cảnh theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM)". Bà còn vinh dự được Đại học MIT lấy tên để đặt cho tòa nhà mới dành riêng cho nghiên cứu công nghệ nano. Bà cũng được Swiftnlift (tạp chí kinh doanh phát hành ở Mỹ, Anh và châu Á-Thái Bình Dương) bình chọn là nữ doanh nhân quyền lực nhất.
Bà Su từ lâu đã có suy nghĩ rất thực tế. Bà quyết định học kỹ thuật điện vì bị thu hút bởi triển vọng xây dựng phần cứng. "Tôi cảm thấy như mình đang thực sự xây dựng và tạo ra mọi thứ" - bà nói. Bà theo học MIT, nơi bà lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, tất cả đều về EE (kỹ thuật điện), vào các năm 1990, 1991 và 1994. "Có thể mọi người ngạc nhiên khi biết rằng bố mẹ tôi muốn tôi trở thành bác sĩ y khoa. Đó là nghề được kính trọng nhất khi tôi lớn lên. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự thích nhìn thấy máu. Cuối cùng tôi đã nhận được bằng Tiến sĩ" - bà Su kể.
Mối quan tâm của bà đối với chất bán dẫn đã được khơi dậy tại MIT. Khi còn là ứng cử viên tiến sĩ, Su là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên xem xét công nghệ silicon-on-insulator (SOI). Công nghệ này đã làm tăng hiệu quả của bóng bán dẫn bằng cách xây dựng chúng trên đỉnh các lớp vật liệu cách điện. Ngày nay SOI được sử dụng để tăng hiệu suất của các vi mạch hoặc để giảm yêu cầu năng lượng của chúng.
Tiến bước trên nấc thang lãnh đạo
Su đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để làm các dự án bán dẫn cho các công ty lớn. Trong suốt chặng đường, bà từ nhà nghiên cứu thành nhà quản lý đến giám đốc điều hành hàng đầu. Nhìn lại, Su chia con đường sự nghiệp của mình thành 2 phần. Khoảng 20 năm đầu bà tham gia nghiên cứu và phát triển; trong 15 năm tiếp theo làm việc trong lĩnh vực quản lý và kinh doanh.
Công việc đầu tiên của bà là với Texas Instruments, ở Dallas, nơi bà là nhân viên kỹ thuật tại trung tâm thiết bị và quy trình bán dẫn của công ty. Bà gia nhập công ty năm 1994, nhưng sau 1 năm chuyển sang IBM ở New York. Ở đó, bà là nhân viên nghiên cứu vật lý thiết bị. Năm 2000, bà được giao làm trợ lý kỹ thuật cho giám đốc điều hành của IBM. Sau đó bà được thăng chức giám đốc các dự án mới nổi. Bà chuyển sang làm quản lý vào năm 2006, khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của IBM. Để học cách quản lý con người tốt hơn, bà đã tham gia một số khóa học về lãnh đạo do công ty tổ chức.
Một trong những nơi đầu tiên bà có cơ hội áp dụng chương trình đào tạo của mình là tại Freescale Semiconductor, ở Austin, Texas. Năm 2007, bà đảm nhận vị trí Giám đốc công nghệ và giám sát các nỗ lực nghiên cứu phát triển của công ty. Bà được thăng chức Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc của nhóm mạng và đa phương tiện Freescale. Với vai trò đó, bà chịu trách nhiệm về chiến lược toàn cầu, tiếp thị và kỹ thuật cho mảng kinh doanh bộ xử lý ứng dụng và truyền thông nhúng.
Bà rời Freescale vào năm 2012 để gia nhập AMD, cũng ở Austin, với tư cách là Phó Chủ tịch cấp cao, giám sát các hoạt động kinh doanh toàn cầu của công ty. 2 năm sau, bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành, là người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty bán dẫn nằm trong danh sách Fortune 500. Ở AMD bà nuôi dưỡng một nền văn hóa hỗ trợ và đa dạng. "Những gì tôi cố gắng làm là đảm bảo mang đến cho mọi người nhiều cơ hội" - bà Su nói.
Điều gì phía trước?
Hoạt động kinh doanh của AMD bùng nổ và bà Su được ghi nhận đã mở rộng thị trường cho chip của công ty ngoài máy tính cá nhân (PC) sang máy chơi game và thiết bị nhúng. AMD đã phát hành các sản phẩm vào năm 2017 với bộ xử lý máy tính để bàn Ryzen, bộ xử lý máy chủ Epyc cho trung tâm dữ liệu. Chúng dựa trên vi kiến trúc Zen, cho phép các chip xử lý nhanh hơn, nhiều lệnh hơn so với đối thủ.
AMD là hãng đầu tiên phá vỡ rào cản tốc độ 1 gigahertz, đưa 2 lõi xử lý vào một con chip cho PC... Bà Su tách riêng bộ phận card đồ họa Radeon dành cho máy chơi game vào năm 2015. Các sản phẩm này đã giúp công ty vượt IBM và là đối thủ đáng gờm của Nvidia. AMD hiện là nhà cung cấp chip duy nhất cho máy chơi game PlayStation của Sony và Xbox của Microsoft. Nhờ đó, thu nhập ròng của công ty năm 2020 đạt gần 2,5 tỷ USD.
Định hướng của bà Su cho AMD là tập trung việc xây dựng thế hệ siêu máy tính tiếp theo. Năm 2020, công ty đã công bố CPU, GPU và phần mềm tiên tiến cung cấp năng lượng cho siêu máy tính ngoại hạng El Capitan của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore. Dù thị trường bán dẫn đang gặp khó về chuỗi cung ứng, nhưng bà Su tin rằng công nghệ trở thành trung tâm cuộc sống của mọi người, từ làm việc, sống, học tập đến vui chơi. Vì vậy, mục tiêu của AMD là “tiếp tục tạo ra công nghệ có thể tiếp cận với cuộc sống của nhiều người hơn”.