Lithuania chặn công ty thuộc TQ tham gia dự án đường sắt lớn nhất Baltic
Tiếp nối những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Lithuania, mới đây chính phủ Lithuania tiếp tục có động thái có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngày 5/1, chính phủ Lithuania đã yêu cầu Lithuanian Railways - công ty đường sắt quốc doanh không ký hợp đồng với đơn vị xây dựng cầu Tây Ban Nha thuộc sở hữu của Trung Quốc vì lý do “an ninh quốc gia”.
Công ty Puentes y Calzadas Infraestructuras đăng ký tại Tây Ban Nha đã trúng thầu xây dựng cầu đường sắt bắc qua sông Neris, nằm trong dự án đường sắt các nước Baltic (khổ tiêu chuẩn) vì đưa ra giá thầu thấp nhất là 62,5 triệu euros (tương đương 55,2 triệu USD).
Tuy nhiên lúc đó vẫn còn nhiều thủ tục chưa hoàn tất và chính phủ Lithuania phải đánh giá lại dự thảo hợp đồng theo đề nghị của công ty đường sắt Lithuanian Railways.
Lithuanian Railways cho rằng liên kết giữa đơn vị Tây Ban Nha này với Trung Quốc là một trong những rủi ro của hợp đồng. Trên trang web của công ty Puentes y Calzadas Infraestructuras có nêu Tập đoàn Cầu và Đường bộ Trung Quốc là công ty mẹ, sở hữu 2/3 cổ phần.
Hiện phía Trung Quốc chưa phản ứng với động thái mới nhất từ Lithuania.
Tuy nhiên, trước đó Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các biện pháp mạnh tay hiếm thấy với đất nước này vì cho phép Đài Bắc mở “Văn phòng Đại diện Đài Loan”.
Bắc Kinh coi việc Lithuania không dùng từ “Văn phòng Đại diện Đài Bắc” như các nước Châu Âu là vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc” trong đó Trung Quốc đại lục coi Đài Loan là một phần của nước này.
Bắc Kinh tiến hành hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania, không chỉ 1 lần mà tới 2 lần, trục xuất đại sứ, một số nhà ngoại giao giảm quan hệ xuống mức đại biện.
Chưa dừng ở đó, Bắc Kinh còn đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với Lithuania. Có thông tin, nước này đã tạm thời bị loại ra khỏi sổ đăng ký hải quan của Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh yêu cầu các công ty đa quốc gia ở nước này cấm xuất khẩu sang Lithuania.
Đường sắt Baltic là dự án hạ tầng đường sắt lớn nhất trong lịch sử các nước Baltic, chạy từ thủ đô Warsaw (Ba Lan) qua Kaunas (Lithuania) tới Riga và Tallinn. Dự án ước tính trị giá khoảng 5,8 tỉ euros với tổng chiều dài 870km bao gồm 392 km ở Lithuania và 265 km ở Latvia, 213 km ở Estonia.