Litva có động thái mới liên quan đến chuyển giao vũ khí cho Ukraine
Ukraine và Litva gần đây đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển ngành công nghiệp quốc phòng ở cả hai nước.
Litva sẽ nới lỏng các điều kiện mua vũ khí đối với các cơ quan hành chính công của nước này cho nhu cầu của Ukraine. Để đạt được mục đích này, Nội các Litva đã quyết định đệ trình các sửa đổi đối với luật có liên quan lên Seimas (Quốc hội Litva), truyền thông địa phương đưa tin hôm 6/11.
Nếu các sửa đổi đối với luật kiểm soát vũ khí và đạn dược được thông qua, các cơ quan hành chính công của quốc gia vùng Baltic này sẽ có thể tổ chức mua vũ khí loại A, phụ kiện vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Các sửa đổi đối với luật này dành cho Cơ quan quản lý dự án trung ương Litva (CPMA) – đơn vị tạo điều kiện thực hiện các dự án hỗ trợ chung của EU cho Ukraine và tiến hành các thủ tục mua sắm công.
Lý do đằng sau điều này là, theo quy trình hiện hành, các hoạt động của bên trung gian, trong trường hợp này là CPMA, bị cấm đối với vũ khí loại A.
Điều này có nghĩa là bên thực hiện các dự án hỗ trợ không được phép hoạt động như một bên trung gian trong việc mua bán vũ khí loại A và mất mọi cơ hội thực hiện một phần các dự án chung của EU và các dự án khác dành cho Ukraine.
Litva phân loại vũ khí, phụ kiện và đạn dược thành các loại A, B, C hoặc D, tùy theo mức độ nguy hiểm của chúng. Vũ khí, phụ kiện và đạn dược được phân loại vào loại A là loại nguy hiểm nhất; vũ khí và đạn dược được phân loại vào loại D là loại ít nguy hiểm nhất.
Bộ Nội vụ Litva, đơn vị trực tiếp phụ trách chuẩn bị các sửa đổi có liên quan để trình lên quốc hội, cũng lập luận rằng những thay đổi này sẽ tạo điều kiện để các tổ chức của Litva trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, và cũng cạnh tranh với các tổ chức ở các nước EU khác để thực hiện các dự án hỗ trợ tương tự.
Ukraine và Litva gần đây đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển ngành công nghiệp quốc phòng ở cả hai nước. Cụ thể, điều này liên quan đến các cơ sở sản xuất đạn dược. Hai nước cũng đã nhất trí hợp tác sản xuất các hệ thống và linh kiện không người lái, thiết bị tác chiến điện tử và các giải pháp công nghệ khác.
Ngoài ra, hai bên sẽ cùng nhau phát triển các giải pháp tiên tiến để đảm bảo ưu thế về công nghệ, tiến hành các dự án nghiên cứu chung và cùng nhau phát triển các công nghệ tiên tiến trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Litva cũng cam kết đảm bảo quyền ưu tiên của Ukraine trong việc mua các sản phẩm, linh kiện và vật liệu quốc phòng.
Minh Đức (Theo Militarnyi, Seimas website)