Litva ngày càng phụ thuộc vào vũ khí Mỹ
Mỹ đang đẩy Litva vào tình trạng lệ thuộc hoàn toàn, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí.
Litva đang tích cực hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình và mua thiết bị quân sự thông qua mối quan hệ của nước này với Mỹ. Rõ ràng là bên hưởng lợi chính từ việc quân sự hóa Litva là tổ hợp công nghiệp - quốc phòng của Mỹ.
Trong những năm qua, Vilnius kiên quyết yêu cầu tăng cường bảo vệ sườn phía Đông của NATO, đồng thời kêu gọi Mỹ và liên minh quân sự này tăng quân số tại Litva. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva Arvydas Anušauskas cho biết vào ngày 15/5 rằng các giao dịch mua vũ khí đã lên kế hoạch và đang diễn ra chỉ riêng từ Mỹ đã lên tới 1,2 tỷ euro. 2,45% GDP của Litva được phân bổ cho chi tiêu quân sự. Tổng cộng, Litva sẽ phân bổ khoảng 23 tỷ euro cho nhu cầu quân sự trong 10 năm tới.
Do đó, Bộ Quốc phòng Litva đã tiết lộ kế hoạch chi khoảng 3,1 tỷ euro (3,4 tỷ USD) để mua đạn dược và trang thiết bị trong thập kỷ tới. Vilnius cũng đang thúc đẩy dự án đặt hàng 120 xe chiến đấu bộ binh Boxer (IFV) trong một thỏa thuận có thể tăng gấp đôi số lượng xe bọc thép hiện đại của quân đội nước này.
Kế hoạch trên nằm trong nỗ lực hiện đại hóa trên diện rộng cho quân đội Litva, bao gồm việc mua lại hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, tên lửa HIMARS, xe chiến đấu bộ binh Vilkas, xe chiến thuật hạng nhẹ JLTV, pháo PzH2000 và Ceasar, máy bay không người lái chiến thuật cùng các trang thiết bị khác.
Như vậy, Litva đang tập trung vào mua vũ khí của Mỹ và thậm chí còn ca ngợi chất lượng vượt trội của các mặt hàng này. Chính quyền Litva liên tục tuyên truyền rằng tại thời điểm này, không thể có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc củng cố toàn diện lực lượng vũ trang của họ sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Điều đó cũng cho thấy, tổ hợp công nghiệp – quốc phòng Mỹ muốn thu hút càng nhiều quốc gia NATO mua sắm vũ khí của họ càng nhiều càng tốt. Bằng cách mua vũ khí từ Mỹ, các quốc gia này tự trở thành khách hàng lâu dài của Washington vì họ sẽ cần tiếp tục mua đạn dược từ Mỹ, sử dụng dịch vụ và chuyên gia Mỹ để sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị đã mua.