Livestream bán hàng hái ra tiền, ngành Thuế vẫn thất thu

Thu thuế thương mại điện tử (TMĐT) đang là trọng tâm được ngành Thuế ráo riết thực hiện. Tuy nhiên, một số vướng mắc vẫn khiến cho việc thu thuế gặp khó, khi thậm chí người nộp thuế còn loay hoay chưa biết cách nộp thuế.

Trong thời đại bùng nổ TMĐT, việc bán hàng bằng hình thức livestream trên các nền tảng số đang đua nhau nở rộ, với những phiên bán hàng "triệu đô" ngày càng nhiều. Theo Hiệp Hội TMĐT Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia. Livestream bán hàng là kinh doanh bằng cách phát video trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch, website TMĐT, kênh truyền hình. Trong các phiên livestream thường có tổ chức, cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các blogger, tiktoker - những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng từ livestream bán hàng.

Ngày càng nhiều phiên livestream bán hàng "triệu đô".

Ngày càng nhiều phiên livestream bán hàng "triệu đô".

Thế nhưng, ngành Thuế cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Qua thanh tra, trong 3 năm 2021 - 2023, Tổng cục Thuế đã xử lý 22.159 trường hợp bán hàng online vi phạm nộp thuế, giúp truy thu thuế tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế 9.980 tỷ đồng, gấp trên 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Tại 2 địa phương đầu tàu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã rà soát 7.134 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT. Qua đó, đã đôn đốc và hỗ trợ kê khai, nộp thuế với tổng số tiền đạt 1.298 tỷ đồng. Đồng thời, 1.318 trường hợp đã bị xử lý truy thu và xử phạt, với tổng số tiền hơn 72 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, tổng số thuế của 418 sàn TMĐT, website bán hàng TMĐT tại Hà Nội đã nộp 5 tháng đầu năm 2024 vào ngân sách nhà nước là 2.547 tỷ đồng…

Dù số thuế thu ngày càng tăng, và cùng với đó, số người bị phạt, số tiền phạt cũng tăng theo, song nhiều ý kiến cho biết, bên cạnh một số người cố tình trốn thuế, thì cũng có những người bán hàng trên sàn, hoặc livestream bán hàng nhưng nợ thuế vì không biết cách nộp thuế.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội MTĐT cho biết, có những người không nổi tiếng, thực hiện việc bán hàng một cách rất bình dân, nhưng lại tiêu thụ hàng hóa rất tốt. Những người này thường không biết cách đóng thuế sao cho hợp lý nhất. Thậm chí, theo ông Dũng, cơ quan thuế ở các địa phương cũng chưa nắm rõ và hiểu hết cách thức làm sao để những người kinh doanh cá nhân này có thể nộp thuế một cách hiệu quả. "Họ không biết liệu mình có nợ thuế hay không, và nhiều người cũng rất bất ngờ khi ra sân bay thì được thông báo đang nợ thuế và không thể xuất cảnh, dù số thuế nợ không lớn. Đây là thực tế mà chúng ta cần quan tâm", ông Dũng phân tích.

Cũng có chung nhận định, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc MISA - một doanh nghiệp công nghệ chuyên cung cấp giải pháp tài chính - kế toán cho rằng, hiện nay, người kinh doanh TMĐT đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế: Không phải họ không muốn nộp thuế, mà họ không biết cách nộp thuế như thế nào và hình thức thực hiện ra sao để tuân thủ quy định. Vì thế, doanh nghiệp này đang kết nối chuyên gia, các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp cũng như phát triển giải pháp công nghệ giúp hộ, cá nhân kinh doanh đáp ứng triển khai nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của cơ quan thuế.

Phía ngành Thuế, câu chuyện quản lý thuế TMĐT cũng gặp một số khó khăn nhất định như khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế, vì cá nhân kinh doanh qua trang mạng xã hội thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh cố định, sử dụng tên đăng ký tài khoản trên mạng lại khác với tên theo định danh, không đầy đủ thông tin.

Chưa kể, khó quản lý dòng tiền vì việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến, trả tiền mặt trực tiếp khi nhận hàng mà không qua ngân hàng; khó quản lý đối với hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ sản phẩm trên website, các trang mạng xã hội, một số doanh nghiệp sử dụng website quảng bá sản phẩm hàng hóa kết hợp bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng. Nhiều trường hợp cá nhân có phát sinh doanh thu kinh doanh TMĐT nhưng không cư trú tại địa chỉ đã đăng ký, số điện thoại không liên hệ được nên không thể mời làm việc để hướng dẫn kê khai, nộp thuế…

Trước những vướng mắc này, nhằm tiếp tục tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng số, thông qua thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền. Bên cạnh đó, cơ quan thuế thường xuyên rà soát cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu về TMĐT để có đủ thông tin đầu vào phục vụ công tác quản lý thuế; phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, đảm bảo quản lý đầy đủ đối tượng.

Ngoài ra, để siết quản lý bán hàng trên sàn TMĐT, Tổng cục Thuế yêu cầu các tổ chức, cá nhân bán hàng online xuất hóa đơn điện tử với 100% giao dịch. Với người nộp thuế, mới đây, Tổng cục Thuế vừa có "Thư ngỏ" để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc.

Tổng cục Thuế đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh TMĐT chủ động tiếp cận, tìm hiểu về quy định pháp luật thuế và chấp hành việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã, đang kinh doanh TMĐT nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế cần khẩn trương đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế, ngành Thuế sẽ lập kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật…

Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Đồng thời, cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livestream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân. Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế, trong đó bổ sung quy định cá nhân kinh doanh TMĐT, trên nền tảng số sẽ phải đăng ký trực tiếp với cơ quan thuế.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/livestream-ban-hang-hai-ra-tien-nganh-thue-van-that-thu-i739650/