Livestream, bán hàng online thu tiền tỷ: Khó giấu doanh thu với thanh toán không dùng tiền mặt

Gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng với doanh số hàng hàng tỷ, thậm chí trăm tỷ mỗi phiên. Theo các chuyên gia, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các giải pháp quan trọng, hiệu quả đối với những hình thức kinh doanh mới này để chống thất thu thuế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết hệ thống thanh toán liên ngân hàng hiện xử lý bình quân hơn 830.000 tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20 - 25 triệu giao dịch/ngày. Đây là con số rất lớn để đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), livestream bán hàng nở rộ với doanh thu khủng trong vài tiếng tiếng đồng hồ, tương đương doanh thu một công ty trong một năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee... Từ đó, những kỷ lục mới về doanh số của những "chiến thần" livestream liên tiếp được ghi nhận.

Tài khoản Tiktok Hằng Du Mục gây "bão" livestream chỉ trong 18 phút đạt doanh thu 817 triệu đồng.

Tài khoản Tiktok Hằng Du Mục gây "bão" livestream chỉ trong 18 phút đạt doanh thu 817 triệu đồng.

Đơn cử, sau khi đạt doanh thu "chấn động" 100 tỷ đồng, một tài khoản TikTok nổi tiếng đặt mục tiêu doanh số trong phiên livestream ngày 5/6 đến 150 tỷ đồng, kết quả là đạt 80 tỷ đồng sau 40 tiếng liên tục bán hàng online.

Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu 100 - 150 tỷ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada... cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.

Tuy nhiên, đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, hiện doanh thu TMĐT của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.

Theo nhận định của các chuyên gia, hình thức kinh doanh mới này đang đặt ra vấn đề về quản lý và thu thuế. Làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ và hợp lý để tránh thất thu cho ngân sách cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law nêu ý kiến: "Hiện nay, với hoạt động livestream bán hàng còn mới so với hoạt động TMĐT. Trong Nghị định về TMĐT cũng chưa đề cập cụ thể chi tiết đối với loại hình này. Tôi nghĩ trong những lần sửa đổi Luật, Nghị định về TMĐT, bán hàng có thể bổ sung thêm hình thức livestream để đưa vào khuôn khổ để quản lý."

"Cần quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn", Bộ trưởng Phớc nêu.

Đánh giá việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng còn nhiều thất thoát, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng để giải quyết vấn đề này, cần sự phối hợp từ nhiều bên: "Để thu được tiền trong kinh doanh online và trong livestream hiện nay, cần sự phối kết hợp giữa các nhà mạng trong việc theo dõi cá nhân có các hoạt động livestream hoặc các mạng khác. Và sự phối hợp của các sàn TMĐT. Nếu các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT thì cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để tính thuế. Đối với livestream thì cũng cần sự kết hợp của ngân hàng, hay bên Công thương để đảm bảo có đăng ký kinh doanh, quản lý kho hàng cũng như hàng hóa dịch chuyển trên địa bàn. Và kết hợp chính quyền địa phương nắm bắt cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng".

Đánh giá việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng còn nhiều thất thoát, Thủ tướng yêu cầu sớm áp dụng hóa đơn điện tử đối với hình thức bán hàng này.

Bộ Tài chính đang làm đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn, trong đó có cả livestream. Theo đó, sẽ chỉ cần một đầu mối khai và nộp thuế thay vì hàng chục nghìn cá nhân.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok Việt Nam cho biết, các nền tảng kinh doanh trực tuyến có đầy đủ công cụ và giải pháp để thực hiện. “Tiktok Việt Nam làm việc rất chặt chẽ với ngành thuế để bảo đảm không có câu chuyện lách thuế trốn thuế. TMĐT trên nền tảng chính thức có quản lý, việc thu thuế của Nhà nước sẽ đảm bảo hơn rất nhiều”, ông Thanh nói.

Tại hội nghị sơ kết triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chống thất thu thuế vừa diễn ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này được giao thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Một số liệu đáng chú ý là đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.

Việc cung cấp dữ liệu tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế được thực hiện theo Nghị định 126 và Luật Quản lý thuế. Các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch sẽ được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế.

Theo các chuyên gia việc này nhằm kiểm tra nghĩa vụ thuế phải nộp. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản của người nộp, nhưng từ dữ liệu do ngân hàng cung cấp, họ lọc ra danh sách những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai và nộp thuế.

Thông qua ngân hàng và việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, thời gian qua, nhiều người bán hàng online đã bị truy thu thuế. Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết sẽ vẫn có hiện tượng nhờ người này, người khác đứng tên tài khoản ngân hàng để "giấu" bớt doanh thu, né thuế. Bởi cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế.

Ngoài ra, theo chuyên gia, việc thanh toán qua hình thức online cũng tiềm ẩn các nguy cơ về bảo mật, lừa đảo. Do vậy, phía người dùng cần hết sức lưu ý, tuân thủ mọi hướng dẫn từ phía ngân hàng, tránh lộ lọt thông tin. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo thông suốt, nâng cao tính an toàn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/livestream-ban-hang-online-thu-tien-ty-kho-giau-doanh-thu-voi-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-1100362.html