Livestream có giúp giải quyết vụ bạo lực tại trường quốc tế ở TP.HCM?
Thông tin không được kiểm chứng, ngôn từ thiếu kiểm soát, hiệu ứng đám đông khiến môi trường phát trực tiếp ngày một độc hại.
Thông tin không được kiểm chứng, ngôn từ thiếu kiểm soát, hiệu ứng đám đông khiến môi trường phát trực tiếp ngày một độc hại.
"Chiến thần livestream", "bà hoàng phát trực tiếp", "người mẹ livestream đòi công lý"... là những biệt danh được đặt cho bà T.H.T. sau khi phụ huynh này lên tiếng tố một nữ sinh đánh con gái mình tại trường Quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC-AA).
Nhiều đoạn livestream trên Facebook hay clip ngắn trên TikTok của bà T.H.T. thu hút hơn 100.000 lượt xem.
Bên dưới, nhiều người để lại lời lẽ chỉ trích, xúc phạm học sinh được cho là thủ phạm và gia đình cô, dù chưa có bất kỳ kết luận nào từ phía nhà trường hay cơ quan chức năng.
Đây không phải lần đầu tiên người dùng sử dụng tính năng phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok để nói về các vấn đề tiêu cực như bạo lực, dối trá, lừa đảo...
Thông tin thiếu kiểm chứng, lời lẽ gay gắt, hiệu ứng đám đông khiến môi trường phát sóng trực tiếp ngày càng độc hại. Nhiều thứ đã vượt xa khỏi dự tính của nền tảng và nằm ngoài tầm kiểm soát của các thuật toán.
Bạo lực tràn lan
Tháng 8/2015, Facebook ra mắt tính năng phát trực tiếp. 6 tháng sau, tính năng lấy tên là Facebook Live được mở cho hầu hết người dùng ở nhiều quốc gia.
Ban đầu, chỉ một số người nổi tiếng và các hãng truyền thông, tin tức hứng thú với tính năng này. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn của Facebook là hướng đến những người dùng bình thường, chia sẻ cuộc sống hàng ngày của họ lên mạng.
Công ty đã quảng cáo rầm rộ ở các thị trường chính như San Francisco, Los Angeles và London để khuyến khích người dùng livestream "khi bạn thấy ai đó dắt một con vật không phải là chó", "trong khi chờ lấy hành lý ở sân bay" hoặc "lúc đi chơi cùng bạn bè".
Tuy nhiên, những tiếng vang đầu tiên của Facebook Live không đến từ các khoảnh khắc đời thường như vậy.
Tháng 7/2016, một cô gái đã phát trực tiếp hiện trường ở Minnesota (Mỹ), nơi bạn trai cô vừa bị cảnh sát bắn chết. 2 tháng sau, đoạn livestream về một vụ giết người ở North Carolina (Mỹ) lan truyền.
Vài tháng sau, một người đàn ông dùng Facebook Live để phát trực tiếp cảnh chuẩn bị tự tử ở Bangkok (Thái Lan). Tháng 4/2017, 3 vụ xả súng được livestream trong vòng 2 ngày.
Theo phân tích của BuzzFeed News, có ít nhất 45 trường hợp bạo lực (gồm xả súng, hãm hiếp, giết người, lạm dụng trẻ em, tra tấn, tự tử và cố gắng tự sát) đã được phát sóng trực tiếp trên Facebook từ cuối năm 2015 cho đến giữa năm 2017. Trung bình, mỗi tháng có 2 trường hợp bạo lực được livestream.
Từ phân tích của mình, Buzzfeed News nhận định Facebook Live đang dần trở thành môi trường độc hại với đầy rẫy bạo lực và nội dung cực đoan.
Còn theo Guardian, Facebook Live đã thực sự thay đổi thế giới, nhưng không phải theo cách mà nền tảng này kỳ vọng. "Khi đánh cược vào việc mọi người sẽ phát trực tiếp cuộc sống của mình, Facebook đã giải phóng một con quái vật mà nền tảng không thể kiểm soát".
Hệ lụy đến từ nút live
Mối liên hệ giữa Facebook Live và các trường hợp bạo lực không chỉ đơn thuần là việc có sẵn điện thoại trong tay và cứ thuận tiện bấm live.
Tính năng phát trực tiếp dường như đặc biệt thích hợp để ghi lại những khoảnh khắc căng thẳng, nguy hiểm.
Tính tức thời của những đoạn livestream có thể ngay lập tức báo cáo một hành vi sai phạm, cảnh báo mọi người, đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay đấu tranh cho công lý.
Trong nỗ lực khuyến khích sự tương tác mà Facebook nhiều lần đề cập, các đoạn livestream được cho có thể tiếp cận lượng khán giả lớn hơn các clip thông thường.
Sự gián đoạn và chân thực của những video này càng làm cho vụ việc trở nên hấp dẫn và dễ tin hơn.
Trong nghiên cứu về hiện tượng "online disinhibition effect" (tạm dịch: Hiệu ứng ức chế trực tuyến), nhà tâm lý học John Suller nhận định con người có thể mạnh miệng, hung hăng hơn khi online vì cảm thấy ít bị ràng buộc trách nhiệm, quản thúc hành vi trên không gian mở.
Chính vì vậy, khi livestream, nhiều người thỏa thích nói những điều họ không nói trong đời thực. Mạng xã hội và sự tung hô của cộng đồng mạng khiến một số cá nhân dễ ảo tưởng sức mạnh.
Mark Zuckerberg đã nhiều lần nói rằng video trực tiếp là tương lai của Facebook, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tương lai đó kinh hoàng và đầy bạo lực?
Năm 2017, Facebook từng tuyên bố thuê 3.000 nhân viên để đánh giá các video được chia sẻ lên nền tảng và hỗ trợ sàng lọc nội dung vi phạm chính sách của nền tảng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, nội dung bôi nhọ, phỉ báng, tra tấn, bạo lực vẫn đầy rẫy trên Facebook Live.
Hàng chục đoạn phát trực tiếp về một vụ thảm sát năm 2019 ở Christchurch (New Zealand) vẫn còn trên mạng. Ngoài sự phẫn nộ, bi thương, đó như một lời nhắc nhở về tính lâu dài của Internet.