LLVT Hà Nam cùng nhân dân kiên cường bám trụ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (tháng 3/1947-7/1954)
Sự ra đời của Tỉnh đội Hà Nam cùng với sự phát triển của các đơn vị chiến đấu đã góp sức không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau 3 tháng thành lập, tháng 5/1947, cơ quan Tỉnh đội cơ bản được kiện toàn gồm 3 ban và một số bộ phận, đơn vị trực thuộc. Hệ thống cơ quan chỉ huy quân sự địa phương các cấp ra đời, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhanh chóng LLVT, là nguồn bổ sung nhanh nhất cho phát triển bộ đội chủ lực. Cùng với xây dựng, phát triển LLVT về số lượng, thực hiện “Huấn luyện về phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự cơ bản trong giai đoạn này” của Bộ Tổng chỉ huy, Tỉnh đội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, hướng dẫn những nội dung cơ bản về chiến thuật, cách đánh du kích cho đội ngũ cán bộ đại đội, trung đội, xã đội, thôn đội. Huấn luyện cho du kích cách đánh chông mìn, cạm bẫy, luyện tập đao kiếm, bắn súng, ném lựu đạn… Cuộc vận động “Luyện quân lập công” trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong LLVT, nhanh chóng lan rộng thành phong trào chung của toàn dân trong tỉnh.
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tỉnh đội chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ra quy định mọi đảng viên phải tham gia LLVT địa phương. Đồng thời phân công các đồng chí cấp ủy viên sang làm chính trị viên đại đội và trung đội bộ đội địa phương, du kích tập trung của tỉnh và huyện, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho LLVT địa phương; xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu, xây dựng lòng tin vào đường lối kháng chiến của Đảng và Bác Hồ. Hàng chục lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp được thực hiện. Phong trào bình dân học vụ được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, địa phương, đơn vị coi trọng.
Cùng với xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, Tỉnh đội luôn quan tâm chăm lo bảo đảm vũ khí kỹ thuật cho LLVT hoạt động. Trong điều kiện trang bị vũ khí còn nhiều khó khăn, để giải quyết vấn đề thiếu vũ khí, Tỉnh đội đã tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh phát động “Tuần lễ vũ khí” nhằm quyên góp kim loại, nguyên vật liệu để sản xuất, rèn đúc vũ khí, quyên góp tiền, vàng bạc để mua sắm vũ khí. Phong trào được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và đạt kết quả thiết thực. Chỉ tính riêng ở các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục nhân dân đã đóng góp 572.929 đồng ủng hộ LLVT mua sắm vũ khí. Với sự ủng hộ của nhân dân, Tỉnh đội đã thành lập Công binh Xưởng, sản xuất hàng nghìn loại vũ khí. Tuy còn ít, đơn sơ nhưng đã phần nào giải quyết khó khăn về trang bị vũ khí phục vụ chiến đấu của LLVT tỉnh.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị kháng chiến của Trung ương Đảng về xây dựng làng, xã chiến đấu, cơ quan quân sự địa phương các cấp triển khai tổ chức thực hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh với tinh thần: mỗi xóm, làng, khu phố thành một pháo đài chiến đấu. Mỗi làng chiến đấu đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ.
Với chủ trương “Phát triển chiến tranh du kích”, tỉnh đã thành lập 3 đại đội du kích tập trung, các huyện, thị cũng xây dựng từ 2 trung đội đến 2 đại đội du kích tập trung. Tính đến giữa năm 1948, lực lượng thường trực chiến đấu của tỉnh đã có hàng nghìn người. LLVT tỉnh đã ra sức rèn luyện, cùng nhân dân đánh địch càn quét, chiếm đóng địa bàn. Đến năm 1949, bộ đội và du kích địa phương tỉnh đã đánh hàng trăm trận, diệt gần 500 tên địch, tiêu diệt hàng trăm xe cơ giới của địch.
Năm 1950, trên mặt trận quân sự, ta giành được những thắng lợi quan trọng, chuyển từ thế phòng ngự sang phản công tiêu diệt địch. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Thế trận chiến tranh nhân dân được củng cố, LLVT, bán vũ trang phát triển và trưởng thành nhanh chóng. Hoạt động quân sự của LLVT được thành lập và ngày càng giành nhiều thắng lợi.
Năm 1952, trước sức tấn công liên tục của quân và dân trong tỉnh, địch hoang mang đối phó một cách bị động, lúng túng. Nhận thấy, đây là thời cơ đẩy mạnh chiến tranh du kích vận động chiến đấu, đánh địch trên đường giao thông nhằm hạn chế được quân địch đi càn quét, phá phách, tiêu diệt lực lượng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng ta bao vây, tiêu diệt các vị trí địch chiếm đóng. Trong những tháng đầu năm 1952, trên dọc các trục đường giao thông, quân địch liên tiếp bị các LLVT tỉnh tập kích, phục kích, bị tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy, phá hỏng nhiều phương tiện, nhiều trận diệt gọn cả toán địch, thu toàn bộ vũ khí, ngăn chặn và hạn chế nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.
Từ tháng 1/1953 đến tháng 7/1954, LLVT tỉnh cùng nhân dân và các đơn vị chủ lực liên tục tiến công, phá vỡ hoàn toàn kế hoạch bình định chiếm đóng của địch, giải phóng quê hương.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, các LLVT tỉnh đã tổ chức chiến đấu gần 10 nghìn trận, diệt hơn 40 nghìn tên địch, phá hủy, phá hỏng gần 400 xe quân sự các loại, bắn rơi 2 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 1 tàu chiến và 4 ca nô, thu nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật của địch, cùng quân dân cả nước, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng quê hương.
(Còn nữa)